Việt Nam đứng ở vị trí cao về tiềm năng tăng trưởng thương mại

10:20 | 09/10/2019

Những cải thiện trong năng lực hỗ trợ thương mại và tính năng động của nền kinh tế đang thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng thương mại của Việt Nam.

Tín hiệu xấu cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam: Nền kinh tế đang có đà tăng trưởng tích cực

Theo Báo cáo Trade20 (20 nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng thương mại mạnh mẽ nhất) do Ngân hàng Standard Chartered xuất bản mới đây, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ nhất so với các nền kinh tế trong ASEAN về tiềm năng tăng trưởng thương mại, nhờ những cải thiện trong năng lực hỗ trợ thương mại và tính năng động của nền kinh tế.

Cơ sở hạ tầng phát triển và chỉ số thuận lợi kinh doanh được cải thiện là những yếu tố chính giúp tăng cường năng lực hỗ trợ thương mại của Việt Nam. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng nhanh được chú trọng vào tính bền vững và ổn định, đặc biệt ở khía cạnh kim ngạch xuất khẩu, là động lực thúc đẩy tính năng động của nền kinh tế. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách 20 nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng thương mại mạnh mẽ nhất trong Báo cáo Trade20 vừa công bố.

Theo báo cáo, các cải cách được thực hiện trong những thập niên gần đây đã kích thích quá trình tăng trưởng kinh tế, với sự hỗ trợ của nhu cầu nội địa mạnh mẽ và những thành tựu trong lĩnh vực xuất khẩu với động lực đến từ khu vực sản xuất.

Việt Nam có những nền tảng vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng, như: tình hình chính trị ổn định, những điều kiện thuận lợi để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và dân số trẻ. Chính phủ đã khai thác hiệu quả những yếu tố này, trong đó tập trung vào cải cách và cắt giảm bớt quy định về điều kiện kinh doanh, đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tự do hóa thương mại.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng lĩnh vực sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam. Sự gia tăng trong lượng khách du lịch vào Việt Nam cũng như trong nhu cầu nội địa nhờ thu nhập từ lương tăng lên được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng.

Việt Nam hiện là thành viên của nhiều Hiệp định Thương mại Tự do, gần đây nhất là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- EU. Hiệp định này dự kiến sẽ loại bỏ 99% các loại thuế quan và mở cửa lĩnh vực mua sắm công và thị trường dịch vụ.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn, vốn FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam khi các doanh nghiệp toàn cầu tìm kiếm các điểm thay thế có chi phí thấp để đặt cơ sở sản xuất. Theo dự báo của Standard Chartered, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2019 và 2020, đạt gần 15 tỷ USD.

Ghi nhận tầm quan trọng của xu hướng kỹ thuật số đối với sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai, Chính phủ đã đề xuất dự thảo đưa 50% các doanh nghiệp lên nền tảng số đến năm 2025, đồng thời đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm khoảng một phần tư GDP.

Báo cáo Trade20 xem xét 66 nền kinh tế trên toàn cầu và đánh giá tiềm năng tăng trưởng thương mại của từng thị trường thông qua việc phân tích những thay đổi trên ba khía cạnh: Tính năng động của nền kinh tế; khả năng hỗ trợ thương mại; và tính đa dạng trong xuất khẩu. Hầu hết các chỉ số thương mại phổ biến đều được lấy dựa trên tình hình thực tế của thị trường, báo cáo ghi nhận những thay đổi theo thời gian để quyết định những thị trường có nhiều sự cải thiện nhất trong thập kỷ qua, từ đó tìm ra các nền kinh tế có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng thương mại nhờ những bước tiến tích cực trong thời gian gần đây.

Đỗ Phạm

Tin đọc nhiều