Việt Nam thúc đẩy phát triển năng lượng xanh

14:00 | 25/11/2019

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển các nguồn năng lượng mới, tái tạo thể hiện trong các chính sách năng lượng quốc gia...

Vay tiền lắp điện mặt trời: Một vốn bốn lời!
Mở cửa cho tư nhân bỏ vốn vào điện sạch
Cơ hội thu hút FDI vào năng lượng xanh

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu vô cùng phức tạp, khó lường như hiện nay, thì việc phát triển năng lượng xanh, bền vững, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng chung của thế giới, góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài của mỗi quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển các nguồn năng lượng mới, tái tạo thể hiện trong các chính sách năng lượng quốc gia như các quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và nhiều cơ chế, chính sách mới thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như gió, mặt trời đã tạo tiền đề phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp.

viet nam thuc day phat trien nang luong xanh
Ảnh minh họa

Song, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế những năm gần đây và dự báo nhu cầu tăng trưởng trong thời gian tới đã tạo sức ép lớn đối với nguồn cung năng lượng quốc gia trong ngắn hạn. Nếu không có những giải pháp căn cơ thì trong trung và dài hạn tình hình năng lượng quốc gia có thể gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Việt Nam đã sớm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả từ năm 2006 đến 2015. Theo đánh giá của Chương trình cho giai đoạn 2006-2010, Việt Nam đã tiết kiệm được 3,4% nhu cầu năng lượng, tương đương với 4,9 triệu tấn dầu quy đổi, và mức tiết kiệm đã tăng lên 5,65% tương đương với 11,2 triệu tấn dầu quy đổi cho giai đoạn 2012-2015.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, chương trình đã đem lại những kết quả rất tích cực trong việc hình thành hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn về tiết kiệm năng lượng, mức tiêu hao năng lượng của các ngành công nghiệp giảm rõ rệt như thép, xi măng, dệt may, hóa chất… Để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã tiếp tục tổ chức và triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với các mục tiêu đến năm 2025 giảm 5-7% và đến năm 2030 giảm từ 8 đến 10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc, theo .

Trên hành trình này, Việt Nam liên tiếp nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, các đối tác phát triển góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu của chương trình, trong đó có Quỹ Thịnh Vượng của Vương Quốc Anh thông qua Chương trình phát triển năng lượng carbon thấp khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2019 – 2022 (Chương trình LCEP), nhằm giúp các nước ASEAN khai thác lợi ích từ việc triển khai năng lượng carbon thấp thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Vương Quốc Anh về tài chính xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả. Carbon Trust là đối tác thực hiện hỗ trợ kỹ thuật cho hợp phần sử dụng năng lượng hiệu quả.

LCEP được thực hiện từ tháng 10/2019 – 3/2022, với các hợp phần dành cho Việt Nam gồm: Hỗ trợ Bộ Công thương thực hiện dự án đề xuất của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3); xây dựng dự án thí điểm về hiệu quả năng lượng thực hiện trong ngành sản xuất xi măng hoặc thép chứng minh về các đầu tư có thể đi vay và có xếp hạng tín nhiệm IGA hoặc tài chính hóa theo dự án…

Đánh giá cao sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ Anh, Bộ Ngoại giao, Sứ quán Anh tại Hà Nội và cá nhân Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương Quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ để Chương trình đạt kết quả tốt nhất, củng cố thêm mối quan hệ hợp tác gắn bó lâu dài giữa hai nước.

Nguyễn Hoa

Tin đọc nhiều