VietinBank: Thêm lực đẩy cho giao thương Việt – Nhật

09:18 | 27/08/2015

VietinBank sẽ  tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, dự báo tốt về thị trường để tư vấn, hỗ trợ tốt cho các DN XNK giữa Việt Nam – Nhật Bản tham gia vào chu trình trao đổi thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Đánh giá được tính trọng yếu của mối quan hệ thương mại song phương với Nhật Bản cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà, nhận thức được vai trò là trung gian tài chính của nền kinh tế, trong những năm qua, VietinBank cùng đối tác chiến lược Bank of Tokyo Mitsubishi (BTMU) luôn chủ động dành tối đa nguồn lực tài chính để hỗ trợ các DN Việt Nam và Nhật Bản phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng lực sản xuất và trao đổi thương mại giữa hai nước.

vietinbank them luc day cho giao thuong viet nhat
VietinBank đang cung cấp dịch vụ nộp NSNN của nhiều tập đoàn kinh tế, công ty lớn là công ty con/công ty liên doanh/liên kết của Nhật Bản

Từ ưu đãi

Phó tổng giám đốc VietinBank Nguyễn Văn Du cho biết, trên cơ sở nghiên cứu những đặc điểm riêng của các DN tham gia vào chuỗi thương mại Việt-Nhật, đồng thời tận dụng được nguồn lực vững chắc cũng như công nghệ ngân hàng từ phía Ngân hàng đối tác BTMU, VietinBank đã ban hành các chương trình/sản phẩm chuyên biệt gắn liền với các DN tại Việt Nam.

Hiện VietinBank đang cung cấp dịch vụ nộp NSNN của nhiều tập đoàn kinh tế, công ty lớn là công ty con/công ty liên doanh/liên kết của Nhật Bản như Honda, Toyota… Doanh số thu thuế hải quan qua VietinBank của Toyota Việt Nam khoảng 600 tỷ đồng/tháng và Honda Việt Nam là khoảng 50 tỷ đồng/tháng.

Đây là kết quả từ việc VietinBank phối hợp chặt chẽ với liên ngành giữa Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan – Kho bạc Nhà nước, triển khai thực hiện công tác thu NSNN theo hướng đơn giản, hiện đại, công khai, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế, phát triển và đa dạng hoá các phương thức nộp thuế.

Dịch vụ này không chỉ hỗ trợ gạch nợ thuế của người nộp thuế ngay lập tức, mà quan trọng hơn là giúp giảm thời gian thông quan và tiết kiệm chi phí cho DN, đồng thời miễn phí dịch vụ và thời gian xử lý giao dịch tức thời.

Với việc quản lý 136 tài khoản của Kho bạc Nhà nước, doanh số nộp NSNN của các DN qua hệ thống VietinBank chiếm khoảng 40% tổng doanh số thu NSNN toàn quốc.

Một trợ lực quan trọng nữa được VietinBank triển khai trong thời gian qua là dịch vụ tín dụng tài trợ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Với quan điểm đồng hành cùng DN XNK, ngay từ thời điểm Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), VietinBank đã ban hành hàng loạt các chương trình ưu đãi lãi suất cũng như sản phẩm dịch vụ để phục vụ cho nhóm khách hàng XNK với thị trường Nhật Bản.

Đầu tiên phải kể đến các chương trình tín dụng JBIC, JICA để tài trợ cho các DN vừa và nhỏ. Đây là chương trình cho vay ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng DN vừa và nhỏ trên cơ sở nguồn vốn vay giữa Việt Nam và JICA.

Tiếp theo, VietinBank là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam đã và đang triển khai Chương trình SBLC (Standby L/C) cùng Japan Finance Corporation (JFC), nhằm giúp công ty con/chi nhánh tại Việt Nam của các DN vừa và nhỏ Nhật Bản vay vốn bằng VND, USD mà không cần tài sản bảo đảm, chỉ cần thư tín dụng dự phòng của JFC.

Với thời hạn và giá trị của khoản vay lên tới 5 năm và tối đa 450 triệu JPY (~ 82 tỷ VND hoặc 4 triệu USD), chương trình đã đáp ứng tài chính cho các DN vừa và nhỏ Nhật Bản bổ sung vốn lưu động hay mua sắm máy móc thiết bị.

Hơn thế nữa, VietinBank cũng vừa ban hành những chính sách ưu đãi về lãi suất đối với nghiệp vụ chiết khấu bộ chứng từ dành cho các DN Việt Nam là người thụ hưởng L/C do BTMU phát hành. Theo đó, các DN này được hưởng mức lãi suất chiết khấu ưu đãi 30% so với mức lãi suất chiết khấu thông thường (tối đa 2,5%/năm).

Đến sản phẩm chuyên biệt

Đặc biệt, VietinBank đã dành một quỹ tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho các DN hỗ trợ cũng như các DN XNK trực tiếp với Nhật Bản như: Chương trình “Chung sức vươn xa cùng khách hàng DN xuất nhập khẩu”; “Tiếp sức thành công”; “Kết nối khách hàng tiềm năng”; “Ưu đãi lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng”; “VietinBank – nơi gửi trọn niềm tin”… Các chương trình này mang đến lãi suất hấp dẫn cho các DN với mức thấp hơn từ 1% đến 4% so với cho vay thông thường.

Bên cạnh các chương trình ưu đãi lãi suất, VietinBank đã thiết kế nhiều sản phẩm/gói sản phẩm chuyên biệt theo từng ngành nghề, đặc biệt là sản phẩm dành cho DN xuất khẩu các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản như: Gói sản phẩm tài trợ chuỗi thủy sản, nông nghiệp; Gói sản phẩm dành cho các DN sản xuất kinh doanh xăng dầu, DN sản xuất ô tô…

Các sản phẩm này hỗ trợ tài chính cho các DN xuất khẩu với thủ tục đơn giản, thời gian xử lý hồ sơ nhanh chóng trên cơ sở điều chỉnh các thủ tục cho phù hợp với quy định/cơ chế lưu thông hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam – Nhật Bản.

Đồng thời các DN cũng nhận được sự tư vấn chuyên nghiệp của VietinBank đối với từng đơn hàng xuất khẩu về điều kiện thanh toán, điều kiện giao hàng, điều kiện bảo hiểm… nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho DN Việt Nam khi thực hiện ký kết các Hợp đồng kinh tế trao đổi hàng hóa với các DN Nhật Bản.

Các gói sản phẩm/chương trình này đã thu hút được nhiều DN Việt Nam có quan hệ xuất khẩu với Nhật Bản, góp phần nâng cao năng lực tài chính và sản xuất kinh doanh của các DN này.

Việc triển khai sản phẩm Bảo lãnh thuế điện tử từ năm 2012 đến nay của VietinBank cũng đã hỗ trợ DN nhập khẩu chưa đủ nguồn tài chính tại thời điểm thông quan có thể nhanh chóng nhận hàng và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với dịch vụ tài trợ thương mại, ngoài các dịch vụ thông thường, VietinBank đang triển khai sản phẩm UPAS L/C. Đây là sản phẩm dành riêng cho các DN nhập khẩu với mức phí/giá thấp nhất trên thị trường.

Trong thời gian sắp tới, VietinBank và đối tác chiến lược BTMU sẽ tiếp tục đi tiên phong trong việc đồng hành với các DN tham gia chuỗi trao đổi thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản. Hiện VietinBank đang nghiên cứu hàng loạt các gói sản phẩm dành cho các DN xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh vào thị trường Nhật Bản như: Gói sản phẩm dành cho các DN dệt may, da giày; Gói sản phẩm dành cho các DN phụ trợ… Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ đưa ra các chương trình ưu đãi hơn cho DN XNK với thị trường Nhật Bản.

“Chúng tôi cam kết sẽ dành nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng nhu cầu tài chính của các DN tham gia vào chu trình trao đổi thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua dây chuyền thiết bị…”, Phó tổng giám đốc VietinBank Nguyễn Văn Du cho biết.

Cùng với đó, VietinBank sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, dự báo tốt về thị trường để tư vấn, hỗ trợ tốt cho các DN XNK giữa Việt Nam – Nhật Bản tham gia vào chu trình trao đổi thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Một trong những nhân tố tích cực giúp tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trung bình đạt mức tăng trưởng hai con số, khoảng 19%/năm 5 năm gần đây là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 01/10/2009.

Việc tham gia Hiệp định đã và đang mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu nước ta thâm nhập vào thị trường Nhật Bản bởi theo Hiệp định, các sản phẩm của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan nhiều nhất của Nhật Bản là các sản phẩm nông thủy sản và hàng dệt may - là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Cụ thể, thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm dần từ 6,1% năm 2015 xuống còn 3,7% vào năm 2018. Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất.

Tuy nhiên, các DN Việt Nam cũng phải đối mặt thách thức gay gắt khi phải cạnh tranh với các dòng sản phẩm của Nhật Bản chất lượng cao và mức giá thấp hơn trước do giảm thuế nhập khẩu. Khi thuế suất nhập khẩu của hơn 3.200 dòng sản phẩm về 0% sẽ khiến cho hàng hóa từ Nhật Bản nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ của các DN nội có cùng sản phẩm. Điều này sẽ tạo nên rào cản lớn của DN Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh với các DN Nhật Bản.

Nhất Thanh

Tin đọc nhiều