Vinacomin: Tái cấu trúc không chỉ là tiết giảm chi phí quản lý

14:27 | 16/04/2012

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sẽ triển khai kế hoạch tái cấu trúc một cách công khai, minh bạch. Đồng thời, ký cam kết với Bộ Tài chính về tiết giảm 5-10% chi phí quản lý nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm.

Ảnh: MH
S
ử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên than sẽ góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững. (Ảnh: MH)

Tiết giảm chi phí gần 1.000 tỷ đồng

Năm 2012, Vinacomin đặt mục tiêu nỗ lực đẩy mạnh sản xuất trong các lĩnh vực chủ đạo như than, khoáng sản và điện lực, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ phù hợp… Theo đó, nhiệm vụ chính của Tập đoàn trong năm 2012 là phấn đấu đạt tổng doanh thu 96,3 nghìn tỷ đồng, than tiêu thụ 45,5 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm 2011. Để đạt các mục tiêu trên, Vinacomin thực hiện quyết liệt các giải pháp, trong đó quan trọng nhất là đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ gắn với tiết giảm chi phí và coi đây là giải pháp quyết định tăng trưởng.

Ông Lê Minh Chuẩn - Tổng giám đốc Vinacomin khẳng định, ngay từ cuối năm 2011, trong kế hoạch phối hợp kinh doanh năm 2012, Vinacomin đã giao khoán cho các đơn vị trong Tập đoàn thực hiện tiết giảm khoảng 736 tỷ đồng, nay thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính, Vinacomin tiếp tục đưa ra các giải pháp để tiết giảm thêm chi phí quản lý và các chi phí khác nhằm tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, các đơn vị sẽ phấn đấu tăng từ 5 đến 10% lợi nhuận và tiết giảm chi phí quản lý so với kế hoạch đã giao. Như vậy cả năm 2012 này Vinacomin sẽ phải tiết giảm bổ sung thêm khoảng 250 tỷ đồng, nâng tổng chi phí tiết giảm lên gần 1.000 tỷ đồng cho cả năm.

Ông Doãn Văn Quang - Giám đốc Công ty than Mông Dương cho rằng, vấn đề công nghệ sẽ là khâu đầu tiên và quyết định đến giảm chi phí của doanh nghiệp và giảm tỷ lệ tồn kho cũng là một trong những cách làm hay mà doanh nghiệp thực hiện trong năm qua. Cụ thể năm 2010, mặc dù kế hoạch Tập đoàn giao tỷ lệ tồn kho là 26 tỷ đồng, xong với nỗ lực quyết tâm doanh nghiệp đã đưa tỷ lệ này xuống còn 20 tỷ đồng và sẽ xuống 13 tỷ đồng trong năm 2012. Đây cũng là một trong những giải pháp để doanh nghiệp tiết giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ vận dụng tối đa quy chế đầu tư, quản lý tồn kho hàng hóa vật tư; sử dụng hợp lý dòng tiền kinh doanh và tận dụng tối đa nguồn tiền nhàn rỗi... Với những giải pháp này, doanh nghiệp phấn đấu năm 2012 đạt doanh thu 1.575 tỷ đồng, lợi nhuận 63 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu thì dư địa trong tiết giảm của ngành than vẫn còn tương đối lớn, cụ thể như việc tiết kiệm ngay trong quá trình khai thác, tuyển than. Thứ trưởng Hiếu cho rằng, cần bắt đầu từ các khoản mục, có thể tiết giảm chi phí ít để tạo ra sản phẩm cuối cùng, hoặc với lượng chi phí như vậy để tạo ra nhiều sản phẩm, vấn đề là làm sao nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Minh Chuẩn cũng thừa nhận khả năng này và cho biết còn nhiều lĩnh vực, nhiều khâu cần xem xét rà soát lại để có thể tiết kiệm hơn, để làm sao tăng doanh thu, đặc biệt là thu nhập của người lao động. Vinacomin cũng khẳng định kết quả tiết giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của năm 2012 đối với Tập đoàn.

Tái cơ cấu thực hiện công khai, minh bạch

Thực hiện kế hoạch tái cấu trúc các Tập đoàn, Tổng giám đốc Vinacomin Lê Minh Chuẩn cho biết, trước mắt Tập đoàn sẽ làm thủ tục thoái vốn 216,8 tỷ đồng tại 4 công ty. Cụ thể, thoái vốn 10% tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không; thoái vốn 10% tại Công ty cổ phần đường cao tốc BECD (Trung Lương - Cần Thơ); thoái vốn tại Công ty cổ phần khu kinh tế Hải Hà với số tiền 47,8 tỷ đồng, tương đương 1%; thoái vốn tại Quỹ Đầu tư Việt Nam là 48 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp do Tập đoàn nắm 100% vốn điều lệ, Tập đoàn sẽ giữ nguyên hình thức Công ty TNHH MTV đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề Nhà nước cần nắm 100% vốn điều lệ, các tổng công ty giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn như sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp; dịch vụ bao tiêu hàng hải; đầu tư khai thác; chế biến than; bô xít và các khoáng sản quan trọng; đầu tư phát triển nguồn điện, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Về cổ phần hóa Tập đoàn chỉ giữ cổ phần chi phối từ 51% trở lên như các công ty TNHH MTV (kể cả công ty mẹ -Tổng công ty) hoặc doanh nghiệp phụ thuộc công ty TNHH MTV hoạt động trong các lĩnh vực điều tra, khảo sát thăm dò địa chất; nhà máy điện đã đi vào vận hành thương mại ổn định; vận tải; xếp dỡ than và hàng hóa; tài chính; đầu tư phát triển nhà và hạ tầng phục vụ công nhân mỏ; phục hồi môi trường mỏ; các công ty sản xuất, chế biến bô xít khi đã hoạt động ổn định sẽ tiến hành cổ phần hóa.

Với các công ty liên kết có vốn đầu tư dài hạn của Tập đoàn, Vinacomin chỉ duy trì tham gia góp vốn đầu tư vào các công ty hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; tài chính, ngân hàng, bảo kiểm và những dự án góp vốn bằng thương hiệu của Tập đoàn, còn lại Tập đoàn sẽ thoái vốn hết.

Ông Chuẩn nhấn mạnh, Vinacomin sẽ nghiêm túc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu theo lộ trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị doanh nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, minh bạch đặc biệt cơ chế khoán quản lý chi phí, điều hành kế hoạch phối hợp kinh doanh và đầu tư đổi mới công nghệ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hằng Trần

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều