Prudential Việt Nam, Dai-ichi Life và Tiki sẽ là những đối tác đầu tiên tại Việt Nam triển khai Chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động, cùng với việc ra mắt giải pháp Phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc của Visa, sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại nhanh chóng và dễ dàng hơn khi toàn bộ quy trình đăng ký đều được thực hiện trực tuyến.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam hiện đang gia tăng sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số sau dịch Covid-19, ngân hàng Sacombank đã đồng hành cùng Visa ra mắt công nghệ Chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cả nước dễ dàng tiếp cận phương thức thanh toán số. Thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động là một giải pháp tiết kiệm và dễ sử dụng để chuyển sang kỷ nguyên không tiếp xúc. Giải pháp này không chỉ hữu ích cho hoạt động thanh toán tại cửa hàng mà còn có thể được sử dụng khi giao hàng, giúp người tiêu dùng thanh toán không tiếp xúc ngay tại nhà khi nhận hàng.”
Với công nghệ Chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động, doanh nghiệp có thể nhanh chóng biến thiết bị Android thành thiết bị chấp nhận thanh toán, đáp ứng yêu cầu hiệu quả về chi phí và khả năng nhận thanh toán không tiếp xúc. Đơn vị chấp nhận thanh toán có thể xử lý khoản thanh toán chỉ qua một lần chạm mà không cần lắp đặt thêm phần cứng tốn kém khác. Vì không yêu cầu kiến thức hoặc kỹ năng đặc biệt, nhân viên bán hàng có thể nhanh chóng và dễ dàng thực hiện việc nhận thanh toán bằng thiết bị thông minh mọi lúc, mọi nơi.
Kết nối thông minh đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. Theo các khảo sát của Visa trong năm 2020, hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán và hơn 40% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc. Bên cạnh đó, với 129,5 triệu thuê bao di động - hơn một nửa trong số đó sử dụng 3G và 4G - cho thấy nhu cầu mạnh mẽ về các giải pháp thanh toán kỹ thuật số của người tiêu dùng.
Đơn vị chấp nhận thanh toán sẽ cài đặt một ứng dụng được hỗ trợ bởi ngân hàng thanh toán, sau khi đăng ký và chọn ngân hàng, người bán có thể bắt đầu chấp nhận thanh toán không tiếp xúc chỉ sau vài phút. Sau khi nhân viên nhập số tiền, người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng thẻ không tiếp xúc mang thương hiệu Visa chạm vào thiết bị di động của bên bán để hoàn tất giao dịch. Chủ thẻ không cần ký tên vào hóa đơn dưới 1 triệu đồng. Đối với hóa đơn trên 1 triệu đồng, bên bán sẽ hướng dẫn chủ thẻ ký tên trên màn hình thiết bị di động và nhập email để nhận hóa đơn điện tử.
Khả năng bảo mật của giải pháp thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động được xây dựng dựa trên công nghệ chip EMV, trong đó mỗi giao dịch sẽ chứa một mã tự động không thể tái sử dụng.
Bùi Tuyết