VLXD thân thiện với môi trường: Quan niệm của người tiêu dùng quyết định sự thành công

10:00 | 01/11/2019

Việc hợp tác chặt chẽ và quan hệ đối tác sâu sát giữa các nhà sản xuất vật liệu, chủ công trình xây dựng, nhà thầu, nhà thiết kế và nhà phát triển tòa nhà dọc theo chuỗi giá trị sẽ là cơ sở để đưa ra các giải pháp tốt nhất cho sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng bền vững.

Thúc đẩy thị trường vật liệu xây không nung: Cần thêm nhiều cơ chế ưu đãi
Doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng khởi sắc
Tăng cường quản lý chất lượng vật liệu xây dựng

“Phát triển ngành vật liệu xây dựng chắc chắn phải dựa trên cơ sở áp dụng khoa học và công nghệ để giảm thiểu sử dụng tài nguyên, tận dụng tối đa phụ phẩm công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng bền vững hơn. Điều này rất cần thiết khi Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới”, TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế về “Khoa học và công nghệ vật liệu xây dựng vì sự phát triển bền vững” tổ chức tại Hà Nội ngày 31/10/2019.

Ông Thành cho biết, chỉ tính riêng năm 2018, Việt Nam đã sản xuất gần 100 triệu tấn xi măng, 706 triệu m2 gạch men, 16 triệu sản phẩm vệ sinh, 260 triệu m2 sản phẩm kính/thủy tinh, 18 tỷ viên gạch đất sét nung, 200.000 tấn sản phẩm chịu lửa, 250 triệu lít sơn… Sản lượng xi măng và gốm của Việt Nam hiện lớn thứ tư trên thế giới.

vlxd than thien voi moi truong quan niem cua nguoi tieu dung quyet dinh su thanh cong

Tính chung trên toàn cầu, ngành xây dựng sử dụng khoảng 1/3 tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng 35 đến 40% tổng lượng khí nhà kính; lĩnh vực này cũng sử dụng hơn 1/3 nguồn nguyên liệu trên toàn thế giới. Những thách thức này đang trở nên rõ nét hơn ở các nước đang phát triển, nơi có mức độ xây dựng dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Phần lớn lượng khí thải phát sinh là do sản xuất xi măng và sắt thép, tiếp đó là nhôm, kính/thủy tinh và vật liệu cách nhiệt.

Trước thực trạng này, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh “Việc phát triển lĩnh vực xây dựng bền vững là rất quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng, để đáp ứng mức sống ngày càng cao trong khi vẫn đảm bảo bảo vệ môi trường”. Đặc biệt ở những nước đang phát triển, nơi mà tốc độ đô thị hóa đang tăng nhanh và số lượng công trình dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Tại Việt Nam, ngành xây dựng đang đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế (chiếm từ 5 đến 15% GDP và cung cấp 5 đến 10% việc làm). Cùng với đó, là tăng cường phát triển vật liệu xây dựng bền vững, như đẩy mạnh tái chế và tái sử dụng vật liệu. Ví dụ, phế phẩm tro xỉ từ các nhà máy điện than được sử dụng để sản xuất gạch không nung. Trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm và nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng tăng, việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn sẽ rất quan trọng để thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng phát triển bền vững.

Bà Caitlin Wiesen ghi nhận những nỗ lực rất rõ nét của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng khung chính sách và pháp luật cho lĩnh vực này với ba điểm nhấn chính: Nghị định 24A về quản lý vật liệu xây dựng, khuyến khích phát triển vật liệu mới thân thiện với môi trường; Chương trình quốc gia về phát triển vật liệu xây không nung, với mục tiêu 30-40% hoặc vật liệu xây dựng không nung vào năm 2020; Quy chuẩn hiệu quả năng lượng trong công trình xây dựng, quy định các yêu cầu về vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng;

“Những hành động này đang đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu trong Đóng góp quốc gia tự định và Kế hoạch hành động quốc gia cho các mục tiêu phát triển bền vững”, bà Caitlin nhận định.

Tuy nhiên, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cũng khuyến nghị “Chính phủ cần có hành động để tạo ra các khung chính sách cho phép hình thành thị trường để các doanh nghiệp có thể sản xuất các loại vật liệu bền vững cho ngành xây dựng, đồng thời khuyến khích việc thiết kế, kích cầu người tiêu dùng trực tiếp sử dụng các sản phẩm bền vững”. Trong đó, Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng các cơ chế khuyến khích và thực thi pháp luật để loại bỏ các sản phẩm không đủ chất lượng, gia tăng niềm tin người tiêu dùng. “Để làm được điều này, việc xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm và các chương trình dán nhãn sẽ không chỉ giúp hạn chế các sản phẩm chất lượng thấp trên thị trường, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bền vững”, bà Caitlin Wiesen cho biết.

Việc hợp tác chặt chẽ và quan hệ đối tác sâu sát giữa các nhà sản xuất vật liệu, chủ công trình xây dựng, nhà thầu, nhà thiết kế và nhà phát triển tòa nhà dọc theo chuỗi giá trị sẽ là cơ sở để đưa ra các giải pháp tốt nhất cho sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng bền vững.

Cùng với đó, “Quan niệm và hành vi của người tiêu dùng là những nhân tố chính tạo nên sự thành công của phát triển ngành xây dựng bền vững. Xu hướng tiêu dùng sinh thái hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường là rất đáng khích lệ. Trong mối liên hệ này, các nhà sản xuất và nhà cung cấp vật liệu xây dựng cần hiểu rõ sở thích của người sử dụng trực tiếp và các nhu cầu của họ đối với các sản phẩm bền vững hơn”, bà Caitlin Wiesen khuyến nghị.

Hoa Hạ

Tin đọc nhiều