Vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam qua M&A

09:00 | 23/10/2019

Việt Nam vẫn luôn là thị trường hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Trước thềm 2020, bức tranh nhà băng Việt có gì mới?
M&A kênh thu hút nguồn lực đầu tư quan trọng
Thị trường M&A năm 2019 sẽ “hút” gần 7,6 tỷ USD

Mới đây, 134 cửa hàng, thương hiệu thời trang Vascara thuộc Công ty TNHH MTV Global Fashion (GF) đã được chuyển giao cho đối tác là Công ty Stripe International (Stripe) thông qua hình thức bán lại gần hết cổ phần. Doanh nghiệp (DN) của Nhật Bản này được biết đến từ 2 năm trước khi đặt chân vào thị trường Việt Nam khi thâu tóm thành công chuỗi thời trang NEM. Mặc dù, giá trị thương vụ này không được tiết lộ, nhưng được biết sau đây, Stripe sẽ có quyền chi phối nhiều hoạt động của GF.

von ngoai tiep tuc do vao viet nam qua ma
Trong 9 tháng còn có 6.502 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 10,4 tỷ USD

Hay như trước đó, thương vụ Beerco Limited (Hồng Kông) mua cổ phần của của Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD cũng đã khiến nguồn vốn ngoại tăng mạnh tại thị trường Việt Nam. Không riêng gì Stripe hay Beerco, nhiều DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc... cũng đang lên kế hoạch tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Ông Hideyuki Okada, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại TP.HCM cho biết, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng lên trong nhiều năm qua và dự kiến sẽ còn tăng trong tương lai. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, tình hình chính trị ổn định, thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân, cùng với lợi thế về hoạt động xuất khẩu nhờ có nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khác đã thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật Bản ưu tiên đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật Bản ngoài việc rót vốn trực tiếp đầu tư nhà máy sản xuất trong lĩnh vực điện tử, linh kiện, thực phẩm... DN Nhật còn lựa chọn hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) để nhanh chóng thâm nhập thị trường và tránh rủi ro khi phát triển tại thị trường mới, chưa có sự am hiểu kỹ càng.

Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến hết tháng 9/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,16 tỷ USD, tăng 3,1%. Đáng chú ý, trong 9 tháng còn có 6.502 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 10,4 tỷ USD, tăng 82,3% so với cùng kỳ năm 2018. Qua đây, rõ ràng trong khi cam kết đầu tư của nhà đầu tư mới và nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam giảm xuống, thì dòng vốn chảy vào qua hình thức M&A lại tăng mạnh.

Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, Việt Nam được cho là quốc gia hưởng lợi từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung khi nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia đã lên tiếng sẽ dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Từ trước đến nay, vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu là đầu tư mới và tăng vốn bổ sung tại các dự án đang hoạt động. Nhưng, một vài năm gần đây, hình thức được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước quan tâm là mua bán, sáp nhập và góp vốn vào các doanh nghiệp nội địa.

Ngoài ra, điểm đáng lưu ý trong bức tranh thu hút vốn FDI 9 tháng đầu năm là sự vươn lên của nguồn vốn từ Trung Quốc. Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 9 tháng, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2,1 tỷ USD, chiếm 19,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc hơn 2 tỷ USD, chiếm 18,4%.

Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng, Phụ trách Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sở dĩ Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Trung Quốc bởi vị trí địa lý gần, có nhiều nét tương đồng về văn hoá. Hơn nữa, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP, đã và đang tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thực tế, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam 9 tháng qua vẫn rất tốt. Điều quan trọng là nguồn vốn đó chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào. Với dòng vốn chất lượng, dù đến từ quốc gia nào cũng không phải là vấn đề đáng quan ngại.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định, Việt Nam vẫn luôn là thị trường hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Và như vậy, Chính phủ Việt Nam cũng cần có những chính sách thu hút dòng vốn này một cách có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.

Tuyết Thanh

Tin đọc nhiều