Ông Hồng Quang |
Với tầm nhìn trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, một trong các mục tiêu chiến lược của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, trong thời gian qua, Vietcombank đã thực hiện đổi mới toàn diện công tác tổ chức và nhân sự, góp phần tạo đột phá trong hoạt động kinh doanh, tạo sức mạnh từ nội lực để Vietcombank tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, duy trì vị thế ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, từng bước nâng cao vị thế trong khu vực và thế giới.
Ông Hồng Quang - Ủy viên HĐQT kiêm Giám đốc Khối nhân sự Vietcombank đã có những chia sẻ về đề tài này.
Với mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực vào năm 2020, xin ông cho biết trong thời gian qua Vietcombank đã có sự chuẩn bị như thế nào để thực hiện được tham vọng thú vị này?
Tháng 9/2017, ngay sau khi phê duyệt Đề án phát triển Vietcombank đến năm 2020, Hội đồng quản trị Vietcombank (HĐQT) đã phê duyệt Đề án quản trị và phát triển nguồn nhân lực Vietcombank đến năm 2020 (Đề án) với mục tiêu chiến lược trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực. Để đạt được mục tiêu này, Đề án đã đưa ra kế hoạch hành động và các giải pháp thực hiện đồng bộ về kiện toàn mô hình tổ chức, hoàn thiện cơ chế chính sách, đổi mới và tăng cường công tác đào tạo, phát triển hạ tầng công nghệ ứng dụng trong công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực... Đến nay, về cơ bản, hoạt động quản trị và phát triển nguồn nhân lực của Vietcombank đã bám sát Đề án và đạt kết quả tốt.
Dấu mốc quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án đó là việc thành lập Khối Quản trị và phát triển nguồn nhân sự Vietcombank (Khối Nhân sự) vào tháng 11/2018, với 3 đơn vị trực thuộc gồm: Ban Tổ chức và nhân sự, Phòng Chính sách và Kế hoạch nhân sự, Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (trên cơ sở nâng cấp Trung tâm đào tạo trước đây). Công tác nhân sự dần được chuyển đổi hoạt động theo hướng “đối tác nhân sự” HRBP (Human Resource Business Partner).
Mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị tại Trụ sở chính và Chi nhánh được rà soát, kiện toàn và chuẩn hóa theo hướng tinh gọn, tập trung quản lý và điều hành theo các Khối hoạt động, tối ưu và nâng cao năng lực quản lý của các đơn vị tại Trụ sở chính, bảo đảm yêu cầu hoạt động thông suốt và hiệu quả.
Hệ thống văn bản nội bộ về tổ chức và nhân sự được xây dựng mới, rà soát, hoàn thiện trong tất cả các khâu từ tuyển dụng tới quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, tạo động lực, đào tạo và phát triển cán bộ… mang lại hiệu quả tích cực trong việc thu hút, quản lý, sử dụng người lao động, tối ưu hóa nguồn nhân lực hiện có của Vietcombank.
Công tác phát triển mạng lưới được đẩy mạnh theo định hướng phát triển hoạt động bán lẻ, Vietcombank tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động tại các địa bàn tiềm năng nơi Vietcombank chưa có sự hiện diện và địa bàn nơi Vietcombank hoạt động hiệu quả.
Công tác tuyển dụng của Vietcombank những năm qua được thị trường đánh giá cao và đã thu hút được một lượng nhân sự lớn có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc. Phương thức tuyển dụng được đa dạng hóa thông qua việc xét tuyển, thi tuyển tập trung online, có cơ chế tuyển dụng riêng đối với cán bộ có kinh nghiệm. Chất lượng tuyển dụng được nâng cao, thực hiện nhanh gọn, hiệu quả, gia tăng cơ cấu tuyển dụng cán bộ bán hàng cho các chi nhánh.
Quy mô lao động của Vietcombank tăng từ 16.227 người năm 2017 lên 17.215 người năm 2018 và đạt mức 18.366 người tại 30/6/2019, với trên 90% cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Tỷ lệ lao động bán hàng duy trì ở mức trên 60% tổng số lao động.
Vietcombank đứng thứ 5 về số lượng lao động (sau Agribank, VPBank, BIDV, VietinBank, STB) nhưng luôn đứng đầu về năng suất lao động. Năng suất lao động của Vietcombank liên tục tăng qua các năm và ở mức cao so với các ngân hàng khác. Lợi nhuận trước thuế (LNTT)/người và tỷ lệ tăng trưởng LNTT/người của Vietcombank từ năm 2017, 2018 và ước tính 2019 tương ứng là 712 triệu đồng/người, tăng 28%; 1.093 triệu đồng/người, tăng 53,5% và 1.282 triệu đồng/người, tăng 17%.
Nhằm nâng cao chất lượng và hướng tới mục tiêu quản trị nguồn nhân lực theo thông lệ quốc tế, Vietcombank cũng đang tích cực triển khai một số dự án về nhân sự như: Dự án xây dựng chương trình phần mềm quản lý nhân sự (HRM) mới; Dự án E-learning; Dự án xây dựng Khung năng lực;…
Bên cạnh đó, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn được Vietcombank quan tâm chú trọng. Trong giai đoạn 2017 - 2019, số lượng các khóa đào tạo, số lượt cán bộ được đào tạo và tỷ suất đào tạo bình quân/cán bộ đều có sự tăng trưởng mạnh qua các năm. Với việc thành lập Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Vietcombank vào tháng 3/2019 trên cơ sở nâng cấp và đổi tên Trung tâm đào tạo, Ban Lãnh đạo Vietcombank kỳ vọng trong thời gian ngắn tới trường sẽ phát triển để trở thành một cơ sở đào tạo vượt trội về chất lượng và chuyên nghiệp trong công tác đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược của Vietcombank là trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực.
Cán bộ Vietcombank |
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Ban lãnh đạo Vietcombank đặc biệt quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích đổi mới sáng tạo và luôn có cơ chế tạo động lực để cán bộ nhân viên phát huy tinh thần sáng tạo, đóng góp hiệu quả cho công việc, xin ông cho biết hoạt động này thời gian qua đã được Vietcombank triển khai như thế nào và những thành tựu đạt được?
Thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Vietcombank luôn được Ban lãnh đạo đặc biệt quan tâm và trực tiếp chỉ đạo. Đặc biệt, năm 2018 là năm hoạt động nghiên cứu khoa học của Vietcombank có nhiều đổi mới và chuyển biến cả về chất và lượng. Nhân sự Hội đồng khoa học (HĐKH) nhiệm kỳ VI được kiện toàn lại, trong đó Chủ tịch HĐQT đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐKH, các thành viên HĐKH là các lãnh đạo Khối/Phòng/Ban/Trung tâm tại TSC phụ trách các lĩnh vực then chốt tại Vietcombank để đảm bảo hoạt động nghiên cứu khoa học và đề xuất sáng kiến được triển khai một cách toàn diện.
Trong bối cảnh các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt về nhân sự, Vietcombank có chính sách như thế nào để giữ chân cũng như thu hút được người tài, hay nói đúng hơn là nhân sự chất lượng cao?
Yếu tố có tính quyết định cho những thành tựu hôm nay của Vietcombank không thể không nhắc đến đó là yếu tố con người. Vietcombank là một trong những ngân hàng có nguồn nhân sự ổn định nhất trong hệ thống, là nơi thu hút và giữ chân nhân sự có chất lượng của ngành Ngân hàng.
Theo công bố kết quả khảo sát nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2018 của Công ty Anphabe, Vietcombank tiếp tục khẳng định vị thế là ngân hàng có môi trường làm việc hấp dẫn nhất khi được bình chọn xếp thứ 1 toàn ngành Ngân hàng, xếp thứ 2 toàn thị trường Việt Nam với thứ hạng tăng thêm 2 bậc so với năm 2017 và trong Top 50 doanh nghiệp Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất.
Để đạt được điều này đòi hỏi Vietcombank phải có các chính sách đồng bộ trong hoạt động quản trị và phát triển nguồn nhân lực trong đó chú trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng vững mạnh; tạo dựng và duy trì môi trường làm việc tốt nhất; cơ chế, chính sách lương thưởng và chế độ đãi ngộ đối với người lao động; công tác đào tạo và phát triển đội ngũ; hệ thống quản trị kết hợp hài hòa giữa quản trị theo quá trình (management by process), quản trị theo mục tiêu KPI (management by objectives) và quản trị theo giá trị (management by value).
Xin ông cho biết một số dự định của Vietcombank về quản trị phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới khi mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực mà Vietcombank đặt ra không còn xa nữa?
Nhằm hiện thực hóa và duy trì mục tiêu là ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực, trong thời gian tới, Vietcombank sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác tổ chức và nhân sự theo 7 định hướng chủ đạo. Trước tiên là thực hiện chiến lược quản trị, phát triển nguồn nhân lực theo Đề án được HĐQT phê duyệt. Việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình quản trị nhân sự hiện đại, tiếp cận với các thông lệ quốc tế sẽ giúp cho công tác tổ chức và nhân sự tại Vietcombank đạt hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, Khối Nhân sự tiếp tục tham mưu cho Ban Lãnh đạo trong việc kiện toàn mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị tại Trụ sở chính và Chi nhánh nhằm tập trung quản lý và điều hành theo các khối hoạt động, nâng cao tính chuyên môn hóa, tránh chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, tối ưu và nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thông suốt.
Đồng thời tiếp tục thực hiện rà soát, hoàn thiện và chuẩn hóa cơ chế, chính sách về tổ chức và nhân sự. Đặc biệt, Vietcombank triển khai xây dựng khung năng lực bao gồm các bộ từ điển năng lực cốt lõi, lãnh đạo và chuyên môn, sơ đồ năng lực cho tất cả các chức danh của ngân hàng; xây dựng phương pháp và các phương tiện kiểm tra, đánh giá năng lực cho toàn hàng…
Với mục tiêu xác định trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực, trong hoạt động của mình Vietcombank luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tinh về số lượng, mạnh về chất lượng, phát huy mạnh mẽ nguồn lực con người – yếu tố then chốt của mọi vấn đề then chốt, nhân tố quyết định thành công của mọi thành công.
Xin cảm ơn ông!
Lê Hồng Quang Thực hiện