Xăng tăng giá, giá lại tăng

17:34 | 14/03/2012

Ngay sau khi Bộ Tài chính quyết định tăng giá xăng thêm 2.100 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít đối với dầu diezel, 600 đồng/lít với dầu hỏa và 2.000 đồng/lít với dầu mazut, ngay lập tức một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, dịch vụ... đã rục rịch tăng giá. Chưa hết, nhiều mặt hàng tiêu tốn nhiều nhiên liệu trong khâu vận chuyển, sản xuất cũng đang rục rịch tăng giá do chi phí đầu vào tăng.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương:

Với mức tăng giá xăng dầu khoảng 10%, thêm vào đó giá gas thời gian qua cũng liên tục tăng, giá điện tăng 5% vào dịp tháng 12/2011 và đang được ngành này đề nghị tăng tiếp 5% trong thời gian tới... đây đều là những ngành hàng thiết yếu mang tính chất bao trùm, liên quan đến nhiều ngành hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh trong xã hội nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Khả năng kiềm chế chỉ số CPI dưới 2 con số sẽ rất gay go, mặc dù NHNN đã rất nỗ lực đưa mặt bằng lãi suất giảm 1% so với trước đây, tuy nhiên so với mức tăng của các mặt hàng trên cùng với đầu tư công kém hiệu quả... thì nhiều khả năng con số này sẽ nằm ở mức từ 12-14% trong năm nay.

DN lo một...

Ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc CTCP Thép Việt cho biết, sau khi giá xăng dầu tăng theo tính toán của công ty, giá thành của mỗi tấn thép thành phẩm sẽ "đội" lên khoảng 150.000 đồng/tấn, do đặc thù của ngành phải sử dụng rất nhiều nguyên liệu là dầu mazut trong quá trình luyện phôi và cán thép. Ngoài ra, để phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua các đầu mối, đại lý, cửa hàng trên khắp mọi miền, chi phí vận chuyển cấu thành vào giá sản phẩm cũng rất cao.

Vì vậy, mặc dù tình hình tiêu thụ sản phẩm thép trong năm qua cũng như đầu năm 2012 còn khá trì trệ, nhưng Thép Việt vẫn "buộc" phải tính đến bài toán tăng giá để tránh tình trạng thua lỗ.

Theo dự kiến, thời gian tới thay vì mỗi tấn thép có giá bán là 15.700 đồng sẽ tăng lên khoảng 15.850 đồng/kg và kế hoạch này sẽ được thông báo cho các đại lý sau khi công ty có quyết định chính thức. Ông Thái cho biết thêm, việc tăng giá là "cực chẳng đã" bởi bất cứ một DN nào cũng phải cân đối giữa chi phí đầu vào và giá thành đầu ra.

Trong khi việc tiêu thụ sản phẩm của ngành thép nói riêng và nhiều ngành sản xuất nói chung đang gặp nhiều khó khăn do lĩnh vực bất động sản ảm đạm… thì doanh nghiệp vẫn phải làm việc ngược đời là tăng giá.


Giá xăng tăng đội chi phí vận chuyển hàng hoá tăng theo. (Ảnh: SGTT)

Cùng quan điểm này, Tổng giám đốc một công ty chuyên về vận chuyển hành khách cho biết, dù tình hình kinh doanh trong năm nay vẫn còn khó khăn, lượng khách giảm nhiều so với thời điểm trước đây nhưng công ty vẫn không thể loại trừ việc tăng giá cước taxi, để tránh lâm vào tình trạng càng chạy nhiều càng phải bù lỗ lắm.

Theo cân đối của công ty vận chuyển này, với mức tăng 2.100 đồng/lít xăng, nhiều khả năng mức cước sẽ được điều chỉnh tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/km và đương nhiên khách hàng khi sử dụng dịch vụ sẽ phải móc thêm hầu bao để chi trả. Điều mà doanh nghiệp lo lắng chính là khi giá tăng, bao nhiêu nỗ lực để tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ đều trở thành "công cốc" và sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp sẽ bị yếu đi.

TS. Nguyễn Đình Chung - Chủ tịch HĐQT Tasa Grourp cho rằng, thông thường sau mỗi đợt xăng dầu tăng giá, giá nhiều mặt hàng tăng theo là không tránh khỏi bởi đa phần hàng hóa nào cũng phụ thuộc vào khâu vận chuyển để đến được tay người tiêu dùng. Trong tình hình hiện nay, khi giá xăng dầu tăng giảm bất thường, nhiều DN chuyên về vận tải hàng hóa đã ký hợp đồng nguyên tắc với các chủ hàng chỉ tính phí dịch vụ chuyên chở, hư hao máy móc… còn chi phí giá xăng dầu được tính riêng theo giá hiện hành. Và quy luật giá vận chuyển, chuyên chở tăng kéo theo hàng loạt giá hàng hóa, dịch vụ tăng là khó có thể tránh khỏi.

...Dân lo mười

Chị Út Lan, chuyên buôn bán trái cây, rau quả tại chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, cánh tài xế đang đòi tăng 50.000 đồng-100.00 đồng/công hàng để bù vào tiền đổ xăng, vẫn với quãng đường chuyên chở như cũ. Có đổi người vận chuyển vẫn không tránh khỏi việc phải bỏ thêm chi phí vì giá xăng tăng.

Và hệ quả là việc tăng giá rau, quả khi bán cho khách hàng là điều khó tránh. Với cách lý giải này, dù chưa trở thành xu hướng rõ rệt nhưng một số hàng rau, thịt ở các chợ nhỏ rải rác trong thành phố đã đưa ra mức giá tăng dao động khoảng một vài nghìn đồng/kg rau, kg thịt. Tất cả đổ hết… lên đầu người tiêu dùng.

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh:

Nếu giá xăng dầu tăng ở mức như hiện nay, Nhà nước vẫn hoàn toàn có khả năng kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là tình hình diễn biến kinh tế, chính trị ở các quốc gia có ảnh hưởng chi phối về giá xăng dầu thế giới đang gặp nhiều bất ổn. Nếu như giá xăng thế giới lại tăng thì giá xăng trong nước có phải tiếp tục điều chỉnh tăng thêm nữa hay không? Bởi bất ổn chính trị và giá xăng dầu thế giới lên xuống ngoài tầm dự đoán và can thiệp của Chính phủ. Mặc dù vậy, nếu Nhà nước điều hành tốt các chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ các vấn đề giá cả hàng hóa thông qua pháp lệnh, luật quy định về giá, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng giá xăng dầu, điện nước tăng để "té nước theo mưa" thì mục tiêu mà Chính phủ đề ra mới đạt được và những người dân lao động sẽ không phải là những đối tượng gánh chịu thua thiệt trước tiên.

Chưa hết, chi phí đi lại của người dân cũng tăng theo giá xăng. Chị Nguyễn Thị Thành, công nhân may cho biết, nhà chị ở gần khu vực Suối Tiên (Quận 9) nhưng lại đi làm mãi bên KCX Tân Thuận (Quận 7) hàng ngày vừa đi vừa về hơn 30 cây số, chồng chị cũng đi làm xa, 2 vợ chồng 2 phương tiện còn tiện đưa rước con đi học, nên mỗi lần xăng tăng giá là phải bù vào đây thêm một khoản chi phí nữa.

Thêm vào đó, thời gian qua điện tăng, gas tăng, giá thuê nhà tăng, rồi ngay đến cả giá thực phẩm, giá sữa cho con tăng khiến cuộc sống của những người công nhân có thu nhập eo hẹp như vợ chồng chị đã khó lại càng khó hơn. Nhiều người dân cho biết, cứ mỗi lần xăng tăng, cầm tiền đi chợ là biết ngay, điệp khúc giá tăng từ mớ rau, củ hành đến lạng thịt lại lặp lại, dù mỗi thứ "chút đỉnh" 500 - 1.000 đồng thôi nhưng vẫn "oằn lưng" người lao động.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, mỗi khi có đợt điều chỉnh, tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống như điện, nước, xăng dầu… thì đối tượng người dân lao động có thu nhập thấp dễ bị tổn thương nhiều nhất. Vì sự tác động của nó mang tính chất bao trùm nhiều mặt cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh cho đến sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày của bất cứ ai.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng trước khi các ngành hàng thiết yếu tăng giá cần có sự tính toán và chuẩn bị kỹ càng từ phía Nhà nước, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cho đến đối tượng người dân để đưa mức tăng sao cho hợp lý cũng như khi nào tăng là phù hợp để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế và đời sống xã hội nói chung.

Thanh Tuyết

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều