Xây dựng công nghiệp: Khoảng sáng trong bức tranh xây dựng

13:00 | 25/02/2019

Triển vọng xây dựng công nghiệp khả quan hơn trong 2019 do Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp mới tại Đông Nam Á.

Đến năm 2017, tại Việt Nam có khoảng 67.000 DN xây dựng, chiếm 13% tổng số DN cả nước. Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong năm qua, có 16.735 DN thuộc lĩnh vực này thành lập mới (tăng 4,4% so với năm 2017). Lĩnh vực “Kinh doanh bất động sản” đứng đầu trong các ngành về số vốn đăng ký với 430.193 tỷ đồng; đây cũng là ngành có tỷ lệ DN thành lập mới tăng cao nhất, đạt 40%... Năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành bất động sản Việt Nam đạt 6,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,6%, đứng thứ hai sau ngành công nghiệp, chế biến chế tạo.

xay dung cong nghiep khoang sang trong buc tranh xay dung
Triển vọng xây dựng công nghiệp khả quan hơn trong 2019

Điều này cho thấy phần nào sự hấp dẫn của ngành này tại Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội không chia đều cho tất cả. Năm 2018 cũng đã ghi nhận con số 1.848 DN giải thể trong lĩnh vực xây dựng, tăng 44% so với cùng kỳ 2017. Cùng với đó là hơn 9.334 DN tạm dừng hoạt động tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 14,7% tổng số các DN tạm dừng hoạt động cả nước.

Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra đó chính là sự phân hóa mạnh trong năng lực cạnh tranh của các DN. Hai yếu tố giá đấu thầu và khả năng hoàn thành dự án của nhà thầu được quyết định chủ yếu quy mô tài chính, công nghệ thi công và khả năng quản lý dự án. Xét các tiêu chí này, nhóm nhà thầu nước ngoài có khả năng cạnh tranh cao nhất tại Việt Nam, sau đó là nhóm DN tư nhân trong nước, cuối cùng là nhóm DNNN.

FPTS dự báo, năm 2019 ngành xây dựng bước vào năm thứ 3 trong chu kỳ giảm tốc, chủ yếu do xây dựng nhà ở, nhà không để ở và cơ sở hạ tầng đều kém khả quan. Nguyên nhân mảng xây dựng cơ sở hạ tầng tăng trưởng chậm lại trong 2019 do thách thức từ cấu trúc kinh tế Việt Nam. Chi đầu tư cơ sở hạ tầng Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt 50% nhu cầu, bằng khoảng 5,8% GDP theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính (Việt Nam cần chi khoảng 11 - 12% GDP cho cơ sở hạ tầng để duy trì mức tăng trưởng hiện nay).

Tuy nhiên, do bội chi kéo dài khiến nợ công tăng cao, hạn chế khả năng đầu tư công của Chính phủ. Nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và ODA chi phí thấp sẽ cạn dần. Việc huy động nguồn vốn tư nhân để đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng hiệu quả bị hạn chế do hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện và thiếu tính minh bạch. Các vấn đề này khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn.

“Do đó, chúng tôi đánh giá tăng trưởng xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ chậm lại trong năm 2019”, FPTS phân tích. Triển vọng xây dựng nhà ở/nhà không để ở cũng sẽ tăng trưởng chậm lại trong 2019 do các động thái kiềm chế bong bóng bất động sản của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên triển vọng xây dựng công nghiệp khả quan hơn trong 2019 do Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp mới tại Đông Nam Á. Sau sụt giảm năm 2010, ngành công nghiệp Việt Nam có chu kỳ tăng trưởng cao và kéo dài gần 10 năm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2018 ước tính tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,3%.

Các lợi thế phát triển công nghiệp tại Việt Nam có thể nhìn từ nguồn lực lao động dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để Việt Nam có thể đón nhận xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc. Bên cạnh đó là chủ trương cải cách hành chính, mở cửa thu hút đầu tư, tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với đối tác lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu… Vị trí địa lý thuận lợi: gần các tuyến đường vận chuyển hàng hải trọng yếu từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương (chiếm khoảng 40% lượng hàng hóa thế giới).

“Do Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn trong năm 2019, chúng tôi đánh giá tăng trưởng xây dựng công nghiệp sẽ tăng tốc và đây cũng là lĩnh vực xây dựng duy nhất có triển vọng khả quan trong năm”, FPTS phân tích.

Báo cáo Nghiên cứu thị trường của JLL cũng cho thấy tín hiệu thị trường trong phân khúc này. Như ở thị trường Khu công nghiệp Đông Nam bộ, tỷ lệ lấp đầy giảm đạt 72% vào quý IV/2018 là do nguồn cung mới từ Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước. Tỷ lệ lấp đầy chung vẫn ghi nhận mức tăng 200 – 600 điểm phần trăm so với quý II/2018 cho mỗi tỉnh. Đáng nói mức giá thuê quý IV đã tăng mạnh 10,7% so với quý II/2018. “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tạo tiềm năng lớn cho Việt Nam để đón chào làn sóng đầu tư công nghiệp mới. Do đó, tỷ lệ lấp đầy và giá thuê dự kiến sẽ đạt bước tiến lớn trong năm 2019”, JLL dự báo.

Hoa Hạ

Tin đọc nhiều