Trong xu thế đó, tại Việt Nam, theo phân tích số liệu của PwC, tốc độ tăng trưởng đô thị hóa đã được tăng nhanh từ 19,6% năm 2009 lên 36% năm 2018 và dự kiến chạm mức 45% vào năm 2020. Vì vậy, phát triển thành phố thông minh để tăng kính kết nối và cải thiện cuộc sống của người dân tại các đô thị là yêu cầu tất yếu.
Nắm bắt được xu thế này, đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các địa phương đang từng bước triển khai từng phần và bước đầu đã có hiệu quả.
Từ năm 2012, Đà Nẵng đã phối hợp với các đoàn chuyên gia tư vấn cao cấp hình thành “Đề án xây dựng thành phố thông minh” với những bước đi đầu tiên trong lộ trình xây dựng đề án và đạt được một số thành tựu ban đầu về quy hoạch, nền tảng công nghệ thông tin, trong đó có xây dựng hạ tầng kết nối, cơ sở dữ liệu, nguồn nhân lực...
Không chỉ Đà Nẵng, cuối năm 2018 UBND TP. Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 17 tỷ USD tương đương gần 400 nghìn tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy, rút kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề về quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số thông minh.
Theo đó, Việt Nam sẽ nỗ lực để các dịch vụ công đơn giản các quy trình và thủ tục hành chính hơn nữa, như ngành giáo dục sẽ triển khai thu phí điện tử trên toàn hệ thống; ngành y tế sẽ không còn bệnh án giấy; ngành giao thông sẽ phải áp dụng đồng bộ và rộng rãi thu phí điện tử tại tất cả các trạm giao thông quốc lộ và giao thông nội đô…
Đây đều là những tiêu chí để xây dựng thành công thành phố thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông… cần rất nhiều sự hỗ trợ của thanh toán điện tử.
Tại diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019 diễn ra cách đây không lâu, đại diện Bộ Y tế cho rằng: Thanh toán không dùng tiền mặt giúp ngành y tế đơn giản hóa thủ tục, phục vụ bệnh nhân tốt hơn, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh…
Nhằm hỗ trợ xây dựng thành phố thông minh, trong thời gian vừa qua, các ngân hàng đã bắt đầu quá trình chip hoá thẻ từ.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), phía ngân hàng đã có chuyển động mạnh mẽ. Bằng chứng là, gần một năm ra ngày mắt thẻ chip, ban đầu chỉ có 7 ngân hàng nhưng giờ Napas đã cùng hơn 20 ngân hàng sẵn sàng công nghệ chuyển đổi thẻ chip.
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã đưa ra hàng loạt thẻ theo công nghệ chip từ năm 2011 với thẻ ghi nợ quốc tế SeABank Visa. Đây là loại thẻ có tính bảo mật cao nhất, hạn chế tối đa các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình sử dụng.
Không chỉ SeABank, ABBank cũng đã cho ra mắt sản phẩm thẻ ABBANK YOUcard với công nghệ Chip EMV an toàn và bảo mật nhất hiện nay, mọi thông tin về chủ thẻ và thông tin giao dịch sẽ được mã hóa và xử lý trên con chip gắn ở mặt trước thẻ, đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Napas, đến quý I/2020 sẽ có 26 ngân hàng 10 công ty cung cấp thẻ chip. "Những điều này chứng tỏ ngân hàng vào cuộc rất tích cực", ông Hưng đánh giá.
Võ Giang