Xây và sửa nhà: Nên dùng tiền vay!

09:00 | 12/11/2015

Vay tiền xây, sửa nhà từ NH là một giải pháp giúp rút ngắn thời gian tính toán kế hoạch tài chính gia đình

Cách đây khoảng 2 tháng, một số cán bộ tín dụng NH chia sẻ họ nhận được rất nhiều giấy đề nghị vay sửa chữa nhà. Thực tế, đây là tín hiệu vui đối với ngành NH vì số lượng người tiếp cận tài chính NH đang ngày một gia tăng. Điều này phù hợp với tiêu chí phát triển mảng bán lẻ sản phẩm tín dụng của các NH trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với khách hàng, giới tư vấn cũng nhận ra có rất nhiều người tiêu dùng chưa thực sự hiểu được lợi ích của các khoản vay, thành ra để “vuột” mất khá nhiều quyền lợi. Thậm chí, có người còn rơi vào bế tắc ngay khi khoản vay vừa được giải ngân.

Vậy nên, việc người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ vay tiền NH để xây dựng và sửa chữa nhà dịp cuối năm là cần thiết, thế nhưng, trước khi quyết định vay tiền xây nhà, giới chuyên viên NH cũng có vài lưu ý để người tiêu dùng cân nhắc.

xay va sua nha nen dung tien vay
Cân đối tài chính trước khi quyết định vay tiêu dùng

Cần xác định thu nhập ròng

Thu nhập trả nợ phải là thu nhập ròng sau khi đã trừ tất cả các chi phí liên quan đến nguồn tạo thu nhập và chi phí sinh hoạt. Nếu hai vợ chồng có hai nguồn thu nhập từ lương (15 triệu đồng/tháng) và thu nhập từ tiền cho thuê nhà (12 triệu đồng/tháng). Tiền lương ở đây phải là thu nhập ròng sau khi đã trừ thuế, bảo hiểm xã hội…

Thu nhập để trả nợ vay phải là thu nhập còn lại cuối cùng, sau khi trừ các chi phí liên quan đến nhà cho thuê (thuế thu nhập cá nhân, chi phí bảo trì, tu sửa nhà) và tất cả các chi phí sinh hoạt.

Dự toán rõ chi phí xây dựng

Thông thường, khi tính chi phí xây, sửa nhà, bạn nên dự phòng chi phí thực tế sẽ tăng thêm 30–50% vì chắc chắn nhu cầu sẽ phát sinh và giá vật liệu xây dựng có thể tăng. Theo đó, nếu chi phí 1 tỷ đồng mà một gia đình nêu chưa cộng khoản dự phòng thì số tiền cần vay NH chắc chắn sẽ cao hơn. Hạn mức vay tùy vào nhu cầu và khả năng trả nợ của bạn.

Tài sản đảm bảo khi vay tiền xây nhà

Khoản vay này bắt buộc người vay phải có tài sản đảm bảo (là tài sản của người vay hoặc của thân nhân bảo lãnh). Nếu người vay dùng chính căn nhà dự định xây để vay thì giá trị tài sản đảm bảo này phải cao hơn nhu cầu vay. Song song với niềm vui có được ngôi nhà khang trang, một gia đình sẽ gánh thêm chi phí lãi suất và nợ gốc hàng tháng từ khoản vay này. Vì vậy, cả hai vợ chồng phải tự đề ra kế hoạch trả nợ hợp lý và tuân thủ nghiêm ngặt theo một số gợi ý.

1. Chọn phương án trả nợ

Các NH sẽ áp dụng một trong hai phương thức là trả nợ theo kỳ khoản cố định, tức số tiền trả hàng tháng không thay đổi trong suốt thời gian trả nợ (phương thức 1) và trả nợ theo vốn gốc chia đều (phương thức 2). Bạn nên chọn phương án trả nợ ít áp lực với khoản chi trả xấp xỉ bằng nguồn tích lũy hàng tháng đang có để tránh việc phá vỡ cân bằng tài chính.

2. Thỏa thuận áp dụng lãi suất cố định

Các NH có thể áp dụng lãi suất thả nổi hoặc lãi suất cố định. Với lãi suất thả nổi, bạn thường nhận được mức lãi suất ưu đãi trong 4–12 tháng đầu tiên nên nghĩa vụ tài chính khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian ưu đãi này, áp lực trả lãi và gốc sẽ ngày càng lớn do lãi suất trong thời gian tới có xu hướng tăng. Trong khi đó, việc áp dụng mức lãi suất cố định trong suốt thời gian vay dù không hưởng ưu đãi gì nhưng sẽ giúp bạn hạn chế rủi ro và dự liệu được phương án tài chính dài hạn.

3. Chọn thời hạn vay phù hợp

Bạn nên chọn thời hạn vay phù hợp với mức thu nhập ròng hàng tháng để đảm bảo cân bằng tài chính. Một số NH áp dụng kỳ hạn vay xây nhà từ 10 năm (VietinBank, Nam A Bank) hoặc 15 năm (VIB, Techcombank).

4. Có kế hoạch chi tiêu hợp lý

Bạn cũng nên xem xét thêm các phương án trả nợ trước hạn như tăng tiền tích lũy hàng tháng, các khoản thu nhập phát sinh khác (tăng lương, thưởng lễ, Tết)… Chẳng hạn, với thu nhập 20 triệu đồng/tháng, bạn đặt mục tiêu mỗi tháng phải tiết kiệm ít nhất phân nửa thu nhập. Phần tiền còn lại, cố gắng thu xếp cho tiền chợ, chi phí sinh hoạt (3,5 triệu đồng), con cái 3 triệu đồng và chi tiêu cá nhân của mỗi người (1,5–2 triệu đồng/người).

Với tất cả các điều cần lưu ý và cân nhắc khi sử dụng sản phẩm cho vay phục vụ mục đích xây dựng, sửa chữa nhà như trên, người vay có thể lựa chọn các NH uy tín, chất lượng và cung cấp gói sản phẩm này một cách tối ưu, tiện lợi nhất như Vietcombank, Nam A Bank, VIB, VietinBank...

Điển hình là Nam A Bank, NH đồng ý cấp một khoản tiền vay lên đến 90% chi phí xây dựng, sửa chữa nhà thực tế cho khách hàng nhằm mục đích hỗ trợ nguồn tài chính cho khách hàng để thực hiện các nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà trong thời hạn 10 năm. Với thủ tục tiện lợi, nhanh chóng, Nam A Bank sẽ giải quyết được những trăn trở và nhu cầu của người vay một cách tốt nhất, mang lại cho gia đình một mùa xuân ấm ấp, bình an với ngôi nhà mới khang trang của mình.

Rõ ràng, câu chuyện “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” trong thời điểm hiện tại không còn bất kỳ khó khăn gì. Bởi các sản phẩm cho vay xây dựng và sửa chữa nhà ở, NH trở thành người bạn đồng hành giúp cho những dự định tốt đẹp của các hộ gia đình có thói quen chi tiêu và đầu tư thông minh sớm trở thành hiện thực.

Bảo Hân

Tin đọc nhiều