Xếp ở "hạng cân" nào?

15:42 | 23/04/2012

Nền kinh tế thế giới đang vận hành theo mô hình chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như thế nào? Và đến khi nào thì chúng ta khởi tạo một chuỗi giá trị mới để "mời" các nước cùng nhau tham dự?

Quãng đường đã qua

Với 87 triệu dân, có hơn 50% dân số ở độ tuổi đời 30, có tỷ lệ tiêu dùng chiếm hơn 70% GDP. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ vẫn tăng 20,6%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế, thương mại trên thị trường trong nước tạo ra giá trị trên 15% GDP và thu hút khoảng 5,4 triệu lao động, chiếm hơn 10% tổng lao động toàn xã hội. Điều đó chứng tỏ tiềm năng to lớn và thị trường nội địa đã trở thành cơ sở cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế.

Có thể nói, hệ thống các doanh nghiệp thương mại (DNTM) Việt Nam chưa có khả năng phản ứng thích hợp, để hạn chế các tiêu cực trước sự biến động của thị trường thế giới. Quá ít những DN và những hệ thống phân phối đủ mạnh, tương xứng với các đối tác quốc tế trong quá trình hội nhập và mở cửa thị trường trong nước với bên ngoài. Nói cách khác, trên thị trường thiếu những DN và hệ thống phân phối rường cột và nòng cốt, bảo đảm kiểm soát, chi phối được thị trường xã hội trong những tình huống cần thiết...

Hầu hết các DNTM đều còn quá yếu về khả năng tài chính, mạng lưới kinh doanh, nguồn nhân lực, công nghệ quản lý và điều hành phù hợp với xu thế hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa.

Dựa trên việc phân tích và cho điểm các yếu tố như tăng trưởng kinh tế được dự báo trong thời gian từ 2012-2016, Tạp chí thị trường Bloomberg Markets vừa công bố xếp hạng lần đầu những thị trường mới nổi (emerging market) và thị trường sơ khai tiềm năng nhất thế giới. Theo kết quả đưa ra, Việt Nam dẫn đầu nhóm 15 thị trường sơ khai nhiều hứa hẹn nhất, trong khi Trung Quốc chiếm vị trí đầu bảng ở xếp hạng các thị trường mới nổi triển vọng nhất. Tổng điểm của Việt Nam trong xếp hạng là 71,4 điểm, so với mức 66,9 điểm của quốc gia về nhì Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và mức 61,4 điểm của quốc gia ở vị trí thứ 3 Bulgaria. "Việc các nhà đầu tư trở lại các thị trường này chỉ là vấn đề thời gian. Sẽ đến lúc họ nhận thấy những cơ hội, bất chấp rủi ro" - ông Antoine van Agtmael, nhà quản lý quỹ đầu tư trị giá 7,4 tỷ USD dành cho các thị trường mới nổi thuộc Công ty Ashmore EMM LLC (Hoa Kỳ), nhận xét.

Ảnh: BĐT
Kênh phân phối hàng hoá hiện đại vẫn còn thiếu và yếu. (Ảnh: MH)

Và chặng đường tiếp theo

Năm 2008, AT Kearney - một trong những công ty chuyên xếp hạng chỉ số bán lẻ nổi tiếng thế giới đã xếp Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Nhưng đến năm 2011, thứ hạng này của Việt Nam đã lùi xuống hàng thứ 23. Điều này cho thấy thế giới đã có đánh giá khác về lĩnh vực này của Việt Nam. Bởi với những tiêu chí mà thế giới quan tâm để đưa ra quyết định có nên vào đầu tư, kinh doanh hay không, hiện Việt Nam đang là điểm yếu. Tuy nhiên, với con mắt của các nhà phân phối thế giới thì thị trường Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến, địa bàn cạnh tranh quyết liệt của các tập đoàn, tổng công ty phân phối lớn trong và ngoài nước.

Trong bài toán về cạnh tranh, nhìn nhận về DN Việt Nam thấy rằng, quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực tài chính yếu kém, kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về quản lý trong môi trường cạnh tranh quốc tế còn có hạn. Đã vậy, chỉ tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu đối với hầu hết các ngành hàng. Ngoài ra, năng lực nghiên cứu và thiết kế, khả năng đổi mới công nghệ của hầu hết các DN còn rất hạn chế; lực lượng lao động có trình độ cao không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong khi đó, các DN đang phải đối mặt với những quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ các quy định về nhãn mác và xuất xứ hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo cam kết gia nhập WTO, từ 1/1/2009, Việt Nam đã phải mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Trên thực tế, một số tập đoàn phân phối lớn trên thế giới đã thành lập siêu thị 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Trong khi đó, sự phát triển của hệ thống phân phối trong nước hiện vẫn chủ yếu theo bề rộng, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, hợp tác, thiếu tính ổn định và chưa bền vững. Đây sẽ là khó khăn, thách thức lớn đối với các nhà phân phối nội địa trong cuộc cạnh tranh không cân sức. Nếu không có sự liên kết để nhanh chóng đổi mới, các DN bán buôn, bán lẻ của Việt Nam với những yếu kém trên mọi phương diện, từ con người, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, mặt bằng bán hàng và thông tin, sẽ có nguy cơ bị thất bại ngay trên sân nhà...

Những nguy cơ về mất cân bằng thương mại, về sự thâu tóm của các tập đoàn hoặc các công ty đa quốc gia đối với hệ thống thương mại trong nước có sức cạnh tranh thấp, là những điều chúng ta phải tính tới để nâng cao năng lực cạnh tranh cho thương mại nội địa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt quan trọng là hiệu lực hạn chế của các biện pháp, chính sách quản lý, điều hành của Nhà nước đối với phát triển dịch vụ phân phối của Việt Nam đang là cản trở DNTM trong quá trình hội nhập.

Ngày 18/6/2009, lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đưa ra bảng xếp hạng về môi trường thuận lợi cho thương mại, Việt Nam đứng ở vị trí 91 trong số 118 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong nhóm 10 vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng, Hồng Kông và Singapore giành 2 vị trí cao nhất. Trong 6 vị trí tiếp theo, ngoại trừ Canada và New Zealand thì các nước châu Âu chiếm hết các vị trí còn lại. Trong các nước ASEAN thì chỉ duy nhất Campuchia đứng thấp hơn Việt Nam. Điểm thấp nhất của Việt Nam là ở chỉ số "tiếp cận thị trường" với vị trí xếp hạng 112/118. Riêng về hàng rào thuế quan và phi thuế quan, Việt Nam xếp hạng 114. Đây là vị trí thấp nhất trong các nước ASEAN. Nếu xét toàn bộ châu Á thì Việt Nam chỉ đứng trên được 2 nước Trung Á là Uzbekistan và Cộng hòa Kyrgyz. Trong khi Việt Nam đứng hạng khá cao về hiệu quả của thủ tục xuất nhập khẩu (hạng 50/118), thì lại đứng hạng rất thấp về tính minh bạch trong quản lý tại cửa khẩu (100/118), và thậm chí thấp hơn nữa (104/118) về các khoản chi được gọi là "bất thường" trong xuất nhập khẩu.

TS. Doãn Công Khanh
(Viện Nghiên cứu chiến lược thương mại)

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều