HSBC Việt Nam thông báo từ tháng 1/2022, bắt đầu đổi thẻ tín dụng Premier MasterCard, thẻ ghi nợ Premier và thẻ ghi nợ Visa Chuẩn sẽ được thay bằng chất liệu nhựa tái chế. Việc chuyển đổi chất liệu đối với các sản phẩm thẻ khác dự kiến sẽ áp dụng từ tháng 5/2022. Khách hàng yêu cầu phát hành thẻ mới hoặc phát hành lại thẻ nhựa tái chế thay thế sau khi thẻ cũ hết hạn, nhằm loại bỏ hoàn toàn thẻ PVC nhựa dùng một lần vào cuối năm 2026.
Theo ngân hàng này, thẻ mới có 85% nhựa tái chế có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp. Theo HSBC, việc chuyển sang phát hành thẻ nhựa tái chế sẽ giúp giảm phát thải nửa tấn các-bon và tiết kiệm 0,2 tấn nhựa mỗi năm. Tổng cộng, HSBC Việt Nam cùng các thị trường khác của Tập đoàn HSBC có thể giúp giảm phát thải 161 tấn các-bon và giảm 73 tấn rác thải nhựa mỗi năm trên toàn thế giới. Đây mới là bước đầu trên hành trình chuyển dần sang thẻ làm bằng 100% nguyên liệu bền vững và ngân hàng này sẽ tiếp tục nghiên cứu các nguyên liệu tái chế thay thế khác.
Ảnh minh họa |
HSBC Việt Nam trở thành ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam chuyển đổi từ thẻ nhựa sang thẻ nhựa tái chế. Ông Pramoth Rajendran - Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Quản lý Tài sản và Tài chính Cá nhân, HSBC Việt Nam cho biết, thẻ ngân hàng làm từ chất liệu nhựa tái chế mở ra cho ngành dịch vụ tài chính cơ hội thúc đẩy nỗ lực xây dựng một tương lai bền vững đóng góp vào một xu thế đang ngày càng phổ biến trên khắp thế giới.
Theo số liệu của NHNN Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, tổng số lượng thẻ các tổ chức tín dụng đã phát hành lên tới hơn 114 triệu thẻ, tăng khoảng gần 30% so với cùng kỳ. Số lượng thẻ và các thiết bị chấp nhận thẻ như máy ATM và máy POS của các TCTD vẫn đang trong xu hướng phát triển để thay thế hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Số liệu thống kê của NHNN tính đến hết quý III năm 2021, cả nước có 20.058 máy ATM và 297.995 máy POS và các loại máy chấp nhận thẻ ngân hàng. Theo đó, số lượng giao dịch tại máy ATM đạt hơn 180 triệu món, giá trị giao dịch khoảng hơn 500 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, số lượng giao dịch qua các thiết bị POS đạt hơn 81 triệu món với giá trị giao dịch tương đương khoảng trên 139 ngàn tỷ đồng. Số liệu thống kê về số lượng và giá trị các giao dịch trên máy ATM và POS bao gồm các giao dịch rút tiền mặt, chuyển khoản trên máy ATM, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, chi trả mua hàng hóa dịch vụ qua ATM, POS…
Để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, thời gian qua NHNN chỉ đạo các TCTD miễn, giảm phí giao dịch online. Đặc biệt, các ngân hàng còn đua nhau miễn phí giao dịch trên các kênh điện tử để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi, nhỏ lẻ của khách hàng vào ngân hàng để tăng thu dịch vụ và gia tăng tiện ích cho người tiêu dùng. Các ngân hàng VPBank, ACB, Kienlong Bank, TPBank… đã áp dụng công nghệ cho phép người tiêu dùng nộp tiền trên máy ATM, mở tài khoản, in thẻ trực tiếp trên các máy Livebank mà không cần đến quầy giao dịch.
Đặc biệt NHNN mới đây đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN cho phép các TCTD phát hành thẻ bằng phương thức điện tử.
Theo các chuyên gia ngân hàng, thanh toán một chạm trên thế giới hiện nay có Trung Quốc phát triển nhanh nhất với sự hiện diện của các fintech, phần còn lại của thế giới, nhất là các nước có tỷ lệ thanh toán tiền mặt cao thì thẻ vật lý đi liền với máy ATM và POS vẫn còn đất sống ít nhất 5-10 năm tới. Báo cáo mới nhất của RBR về thị trường ATM toàn cầu và dự báo đến năm 2025, số lượng máy ATM trên toàn thế giới (loại trừ Trung Quốc) vẫn ghi nhận sự gia tăng số lượng ATM. Báo cáo cũng cho thấy, những quốc gia có tỷ lệ dân số không sử dụng dịch vụ ngân hàng càng cao thì các giải pháp thúc đẩy tài chính vẫn tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ATM. Mô hình máy ATM vẫn là một công cụ để mang các dịch vụ tài chính đến khách hàng mới, các nước đang phát triển ở các thị trường trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi và cả châu Mỹ Latinh.
Minh Phương