Bộ Công Thương tham vấn về dự thảo Thông tư xác định hàng hóa "Made in Vietnam" | |
Không để tình trạng trục lợi, giả danh gỗ Việt để xuất khẩu | |
Chống gian lận xuất xứ ngày càng cam go |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389, từ đầu năm đến nay tình hình gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước. Đặc biệt, nhiều sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Việt Nam” để gian lận thương mại gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín DN Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo đó, nhiều loại hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở DN, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.
Cần có những quy định, chế tài thật mạnh đối với hành vi gian lận |
Có thể thấy, tình trạng giả mạo xuất xứ hàng Việt được phát hiện trong thời gian qua với quy mô ngày càng lớn. Vụ việc Asanzo đang là điển hình được nhiều người quan tâm. Theo công bố mới đây của Tổng cục Hải quan, các sai phạm của Asanzo có liên quan đến việc giả mạo xuất xứ, vi phạm bảo hộ nhãn hiệu công nghiệp, cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam chất lượng cao"... đối với các sản phẩm như ti vi, điều hòa nhiệt độ, máy xay sinh tố. Theo đó, Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các DN trong nước rồi lắp ráp thủ công để tạo thành hàng hóa hoàn chỉnh, bán ra thị trường.
Theo số liệu kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy tỷ lệ nguyên vật liệu chính/chi phí giá thành chiếm 98% - 99%, giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp, chỉ chiếm 1-2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm. Như vậy, mặt hàng tivi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh thì không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt theo kết quả điều tra thì Asanzo giả mạo xuất xứ cả những lô hàng trong nước và xuất đi ngoài nước.
Trên thực tế, các vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ không chỉ ảnh hưởng tới các DN và người tiêu dùng trong nước mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, khi Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế quan thì tình hình giả mạo xuất xứ càng trở nên phổ biến. Có 2 hình thức gian lận xuất xứ hàng hóa. Đó là nhóm hành vi gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ và nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu. Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã phát hiện rất nhiều vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa, giả mạo hàng Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt đã không ít vụ việc đã và đang bị điều tra về hành vi giả mạo xuất xứ xuất khẩu với số lượng lớn sang các thị trường như Mỹ, EU…
Có thể kể đến như cơ quan hải quan Việt Nam mới đây đã phối hợp với hải quan Mỹ ngăn chặn 1,8 triệu tấn nhôm có trị giá khoảng 4,3 tỷ USD có dấu hiệu gian lận xuất xứ Việt Nam, trước khi số nhôm này được xuất sang Mỹ với xuất xứ hàng Việt Nam. Bên cạnh đó nhiều DN có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ ván ép tăng bất thường sang thị trường Mỹ bị Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến xuất xứ. Chính những hành vi vi phạm giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới các ngành hàng xuất khẩu, nhất là ngành hàng chủ lực của Việt Nam. Khi xảy ra tình trạng này sẽ dẫn tới nguy cơ hàng Việt Nam xuất khẩu bị điều tra lẩn tránh thuế, kéo theo những thiệt hại lớn về kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng diễn ra phức tạp là phần lớn hàng hóa xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn, giảm thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các nước có ký kết FTA. Vì vậy, nhiều DN đang tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để được ưu đãi, lợi thế thương mại một cách bất hợp pháp. Bộ Công thương ghi nhận trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã bị khởi kiện 20 vụ liên quan tới hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Các quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn như Mỹ, EU đã bày tỏ nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa Việt Nam.
Có thể thấy, tình hình vi phạm về gian lận xuất xứ, giả mạo hàng Việt đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Mặc dù cơ sở luật pháp để chống lại tình trạng giả mạo, gian lận xuất xứ hàng hóa đã có những quy định về xử lý nhưng trên thực tế là chưa đủ, thậm chí nhiều quy định còn thiếu rõ ràng, nên bị một số DN lợi dụng. Theo các chuyên gia, muốn chống được gian lận xuất xứ, “đội lốt” hàng Việt, cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (Quyết định 824/QĐ-TTg, ngày 4/7/2019) và Bộ Công thương đang gấp rút hoàn thiện thông tư về tiêu chí dán mác "made in Vietnam" cho hàng sản xuất trong nước lưu thông trên thị trường nội địa.
Đây được cho là giải pháp nhằm ngăn chặn và xử lý các hành vi giả mạo xuất xứ. Đồng thời cũng là cơ sở để xác minh xuất xứ của sản phẩm hàng hóa, ngăn chặn tình trạng gian thương giả mạo xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng. Để tránh thiệt hại cho các ngành hàng xuất khẩu, Bộ Công thương cũng vừa trình Chính phủ ban hành một nghị quyết về chống gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Ít nhất 8 bộ, ngành sẽ cùng vào cuộc chống hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, hiện tượng gian lận xuất xứ hàng hóa, giả mạo hàng Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đang ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng, các DN làm ăn chân chính và uy tín của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bởi vậy cần có những quy định, chế tài thật mạnh tay với các hành vi này.
Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình sẽ càng trở nên phức tạp hơn. Tổng cục Hải quan cũng đã hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa. Tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận trong việc nhập khẩu hàng hóa, gian lận xuất xứ. Đồng thời cần có sự phối hợp giữa Hải quan với các bộ ngành chức năng như Công thương, Khoa học & Công nghệ, VCCI... để ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa.
Nguyễn Minh