Xử phạt nghiêm các vi phạm về thuế

11:30 | 01/06/2012

Việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế là cần thiết, song việc đánh giá, phân loại doanh nghiệp nếu chỉ dựa vào ý chí chủ quan của cán bộ quản lý thuế có thể dẫn đến tình trạng thiếu khách quan, công bằng, chưa bảo đảm chính xác.

Băn khoăn “công nghệ” nộp thuế

Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, ngày 31/5, Chính phủ đã có tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.


Nhiều doanh nghiệp XNK lợi dụng thời gian ân hạn thuế dài để trốn thuế (Ảnh: MH)

Theo báo cáo của Chính phủ, Luật Quản lý thuế hiện hành chưa có quy định chung về nguyên tắc quản lý rủi ro để phân loại người nộp thuế nhằm đưa ra biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người nộp thuế có rủi ro cao, và có biện pháp ưu tiên đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt. Bên cạnh đó vẫn còn một số bất cập về: cơ chế phân loại mã số, xác định trị giá, xác định xuất xứ hàng hóa trước khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu; nghĩa vụ của người nộp thuế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao quản trị doanh nghiệp và phát triển phương thức quản lý thuế điện tử; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn...

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có ý kiến cho rằng, việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế là cần thiết, song việc đánh giá, phân loại doanh nghiệp nếu chỉ dựa vào ý chí chủ quan của cán bộ quản lý thuế có thể dẫn đến tình trạng thiếu khách quan, công bằng, chưa bảo đảm chính xác. Do vậy, Dự thảo Luật bổ sung khoản 10 Điều 7 quy định về nghĩa vụ của người nộp thuế trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, theo Ủy ban TCNS, quy định của Dự thảo Luật chưa bảo đảm chặt chẽ, chưa làm rõ thế nào là “trường hợp người nộp thuế đủ khả năng để ứng dụng công nghệ thông tin”, dẫn đến không có căn cứ để áp dụng. Ngoài ra, Dự thảo Luật chưa quy định biện pháp chế tài đối với trường hợp không áp dụng công nghệ thông tin trong kê khai, nộp thuế, dẫn đến thiếu nghiêm minh trong thực hiện. Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, chặt chẽ, cụ thể của Luật, đề nghị bổ sung quy định về tiêu chí, điều kiện để xác định đối tượng có nghĩa vụ phải ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai, nộp thuế, trong giao dịch với cơ quan quản lý thuế và bổ sung biện pháp chế tài xử lý đối với trường hợp vi phạm.

Nên tăng phạt với hành vi cố tình

Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 42 Dự thảo luật quy định thời hạn nộp thuế đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu, thời hạn bảo lãnh, đa số ý kiến đề nghị: Chính phủ cần làm rõ căn cứ để quy định thời hạn bảo lãnh đối với từng loại hàng hóa; Rút ngắn thời hạn bảo lãnh đối với hàng gia công xuất khẩu xuống 180 ngày (thay vì 275 ngày như Dự thảo Luật) hoặc theo thời gian quy định của chu kỳ sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn cho rằng, áp dụng ân hạn thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Liên quan đến việc xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn (Điều 106, 107) ông Phùng Quốc Hiển cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đã nâng mức tiền chậm nộp từ 0,05% (Luật hiện hành) lên 0,07%; phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn đối với trường hợp người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung quá thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai nhưng trước khi cơ quan hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn đối với trường hợp khai bổ sung sau khi cơ quan hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, mức xử phạt được quy định trong Dự thảo Luật chưa có sự phân biệt dựa trên tần suất và mức độ vi phạm, dẫn đến chưa bảo đảm công bằng, tính răn đe chưa cao. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng mức phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm, có hành vi vi phạm tái diễn nhiều lần, mức độ vi phạm lớn...

Chí Kiên

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều