Cân nhắc lựa chọn FDI vào dệt may | |
Cần làm gì để thực sự được hưởng lợi từ FTA |
Vitas ước tính kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2019 sẽ chỉ đạt 39 tỷ USD, thấp hơn 1 tỷ USD so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm, tuy nhiên vẫn tăng trưởng gần 7,6% so với năm 2018.
Ảnh minh họa |
Kết quả trên đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung liên tục gia tăng. Tuy nhiên, xuất khẩu sang hai nền kinh tế hàng đầu thế giới lại có sự tăng trưởng khả quan: kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,97% tổng kim ngạch xuất khẩu; sang Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD, tăng 7,05% và chiếm 10,9%.
Xuất khẩu dệt may sang EU dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng tốc độ tăng trưởng rất thấp, cụ thể là đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,23%, chiếm 11,28%. Tương tự, xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,79%, chiếm 10,77%; Hàn Quốc đạt 4 tỷ USD tăng 4,42% chiếm 10,26%; ASEAN đạt 2,1 tỷ USD, tăng 7,75 tỷ USD, chiếm 5,38%...
Khó khăn đối với ngành dệt may khởi đầu ngay từ khi bước sang năm 2019. Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết thông thường trong quý IV của năm trước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó, nhưng năm nay đơn hàng giảm so với năm 2018. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp chỉ bằng 80% so với cùng kỳ; hoặc nhận đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý, thay vì dài hạn như trước.
Tình hình đó cho thấy góc nhìn không chắc chắn về triển vọng kinh doanh của khách hàng, đồng thời cũng chỉ ra rằng ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh...
Bộ Công Thương cho biết, nhiều nhiều nước đang tập trung hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có cả những quốc gia khu vực châu Phi, khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ.
Cùng chung tình trạng, ngành sợi cũng gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh đơn hàng từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan.
Cũng theo Vitas, kim ngạch nhập khẩu dệt may năm 2019 ước đạt 22,38 tỷ USD, tăng trưởng 2,21%; trong đó giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 19,26 tỷ USD, tăng 4,96%.
Giá trị nội địa tăng thêm (thặng dư thương mại) của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 19,73 tỷ USD, tăng 10,19%. Dệt may xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD và tăng 15,7 điểm phần trăm so với năm 2018.
PL