Xuất khẩu đồ gỗ: Vẫn nhiều tín hiệu lạc quan

12:16 | 30/03/2012

Dù xuất khẩu đồ gỗ 2 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm hoặc tăng trưởng không đáng kể ở các thị trường lớn, song những bạn hàng nhỏ lại có mức nhập khẩu tăng mạnh, góp phần "xoa dịu" những dự báo ảm đạm trước đó.

Dấu hiệu tốt từ thị trường trọng điểm

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2012 đạt 606,1 triệu USD, tăng 22,32% so với cùng kỳ năm 2011. Tính riêng trong tháng 2, xuất khẩu mặt hàng này đạt kim ngạch 317,5 triệu USD, tăng 10,02% so với tháng liền kề trước đó.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của đồ gỗ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, chiếm 35,6% thị phần, đạt kim ngạch 215,8 triệu USD, tăng 31,09% so với cùng kỳ năm 2011.

Trung Quốc năm vừa qua tuy vượt Nhật Bản về nhập khẩu đồ gỗ nước ta, song trong 2 tháng đầu năm 2012 xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường này chỉ đạt 73,9 triệu USD, đứng ở vị trí thứ 3. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản đứng thứ 2 với kim ngạch 94,1 triệu USD, tăng 25,91% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 2 xuất khẩu đồ gỗ sang Nhật Bản đạt 50,9 triệu USD.

Ảnh: sưu tầm
Đồ gỗ của Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản. (Ảnh: St)

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, dù năm 2011, Trung Quốc vượt Nhật Bản về kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam với khoảng 580 triệu USD, song về lâu dài ngành gỗ vẫn định hướng Nhật Bản là một trong ba thị trường trọng điểm bên cạnh Mỹ và EU. "Riêng năm vừa rồi Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần nên họ hạn chế sử dụng đồ gỗ cao cấp, mà thay thế bằng sản phẩm gỗ thứ cấp giá rẻ để tái thiết nhà cửa, cho nên kim ngạch của họ giảm xuống, còn Trung Quốc tăng lên một chút", ông Quyền giải thích.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây Hoa Kỳ và một số nước Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có xu hướng giảm nhập khẩu gỗ và đồ gỗ từ Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tăng mức xuất khẩu tại các thị trường này trong tương lai.

Nhiều thị trường triển vọng nhưng khó vào

Cũng trong 2 tháng đầu năm,kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại một số thị trường nhỏ đã có sự tăng trưởng vượt trội, dù con số không quá cao. Chẳng hạn, thị trường Hungari tuy chỉ đạt 667,7 nghìn USD, nhưng lại có sự tăng trưởng tới 653,86% so với 2 tháng năm 2011. Một số thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng không kém, như Ả -rập-xê-út đạt kim ngạch 1,28 triệu USD, tăng trưởng 412%; Mexico tăng trưởng 318,1%, đạt 617,8 nghìn USD...

Những con số này cũng phù hợp với mục tiêu hướng tới thị trường nhỏ mà ngành đồ gỗ đã đặt ra hồi đầu năm. Trong bối cảnh những bạn hàng lớn đang gặp khó, mục tiêu này sẽ càng được củng cố và duy trì. Bên cạnh đó, ông Quyền cho biết, hiện các DN trong ngành cũng đang nghiên cứu và xúc tiến thêm một số thị trường mới như Nga, Ấn Độ, Trung Đông… Đây đều là những thị trường triển vọng, hứa hẹn sức tiêu thụ lớn không kém những khách hàng truyền thống, song để xâm nhập vào lại hết sức khó khăn.

Đơn cử như người tiêu dùng tại Nga hiện rất ưa chuộng sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam, hiện chúng ta đưa hàng sang bao nhiêu đều tiêu thụ hết bấy nhiêu. Tuy nhiên, nguyên liệu dành riêng cho thị trường này phải mua ở một số quốc gia Đông Á, vận chuyển qua Việt Nam rồi lại xuất sang Nga khiến giá thành đội lên cao. Một số DN đã nghiên cứu việc chuyển nhà máy sang sản xuất tại đây, nhưng thời tiết quá khắc nghiệt nên công nhân không chịu nổi.

"Tuy nhiên, nếu đưa được sản phẩm sang thị trường Nga thì việc tiêu thụ khoảng 1 tỷ USD/năm (tương đương thị trường Hoa Kỳ) không phải là vấn đề quá khó. Đây quả là con số đáng mơ ước đối với ngành đồ gỗ trong tình cảnh khó khăn như hiện nay", ông Quyền nhận định.

Bên cạnh việc kiên trì xúc tiến tìm kiếm các thị trường mới, hiện ngành gỗ đang ráo riết xây dựng bộ quy chuẩn về nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp để đàm phán với EU nhằm đáp ứng chương trình hành động Tăng cường thực thi luật lâm sản, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT). Hiện ngành gỗ đang đặt mục tiêu tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành bản quy định này để đầu năm 2013 ký thỏa thuận với EU, tạo tiền đề cho việc thực hiện FLEGT từ tháng 3/2013.

Trong khi đó, các lô hàng của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 1/4/2010 đến nay đều không bị trả lại, chứng tỏ chúng ta đã đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ theo đạo luật Lacey mà bạn hàng này đưa ra.

Ngọc Khanh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều