Xuất khẩu mật ong: Khó từ trong nước...

16:37 | 09/04/2012

Những năm gần đây, Việt Nam vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu mật ong hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, do nhiều bất cập ngay từ khâu chăn nuôi nên việc xuất khẩu mặt hàng này đang gặp không ít khó khăn.

Đánh bạc... với trời

Nghề nuôi ong được ví như... "đánh bạc với trời". Bởi, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Tây Nguyên là một địa bàn thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay diện tích hoa cỏ tự nhiên ở khu vực này còn lại rất ít. Để nuôi dưỡng ong, người nuôi phải liên tục di chuyển đàn ong của mình. Bên cạnh sự bất thường của thời tiết có lúc khiến nông dân không kịp trở tay. Ông Nguyễn Ngọc Ất, một trong những "đại gia" nuôi ong ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) chia sẻ: Nuôi ong vất vả nay đây mai đó. Có thời điểm hoa nở nhiều, nhưng đàn ong lại bị bệnh hoặc lúc gặp trời mưa bất ngờ, ong đột ngột đổ bệnh... thế là bao công sức đổ sông, đổ suối...

Bên cạnh những khó khăn do thời tiết, việc sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan như hiện nay cũng khiến nghề nuôi ong lao đao. Hiện, ở Tây Nguyên nhiều diện tích trồng cao su, cà phê đang được phun thuốc chống rụng lá, trừ sâu... Loài ong vốn rất nhạy cảm với thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, người nuôi phải liên tục di chuyển đàn ong để "lánh nạn". Trong khi, chi phí di dời khá tốn kém, không những vậy còn khiến cho ong dễ chết, tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Cả người nuôi lẫn DN xuất khẩu mật ong đang gặp khó. (Ảnh: St)

Đắk Lắk, địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào nuôi ong và xuất khẩu mật ong. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 1.200 hộ nuôi ong với gần 200.000 đàn. Sản phẩm mật ong của Đắk Lắk có mặt tại thị trường Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc… Năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu mật ong đạt trên 15 triệu USD. Tuy nhiên, khác với những năm trước hiện nhiều hộ gia đình nuôi ong ở đây đang gặp khó. Nghề nuôi ong đứng trước nguy cơ mai một.

Ông Thái Ngọc Duẩn ở xã Ea Dar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) cho biết: Do phải di chuyển nhiều, sản lượng mật ong năm nay giảm sút rõ rệt. Với gần 400 đàn ong, từ đầu năm đến nay mới thu được khoảng 9 tấn mật. Trong khi, năm trước cũng số đàn ong này gia đình đã thu về hơn 15 tấn.

Hiện nay, để có thể tăng thêm lượng mật người nuôi ong ở Đắk Lắk, Gia Lai hay Đắk Nông... phải cho ong ăn thêm đường, phấn hoa nhân tạo. Chi phí nuôi ong cao hơn nhiều so với trước, khi giá đường, phấn hoa... trên thị trường đang "leo thang". Cũng theo tính toán của ông Duẩn, nếu giá mật ong trên thị trường rơi xuống mức 30 nghìn đồng/kg, người nuôi sẽ lỗ nặng...

Lao đao vì thị trường

Việt Nam hiện đứng thứ 6 trên thế giới, thứ 2 ở châu Á về xuất khẩu mật ong. Năm 2011, cả nước sản xuất được trên 30.000 tấn mật ong. Trong đó, xuất khẩu đạt 27.000 tấn với kim ngạch gần 80 triệu USD. Mỹ là thị trường nhập khẩu chính mật ong của Việt Nam.

Trong khi người nuôi đang gặp khó khăn, tình cảnh của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mật ong cũng không sáng sủa hơn. Ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc Xí nghiệp ong Gia Lai cho biết: Khoảng 90% sản lượng mật ong sản xuất trong nước dành cho xuất khẩu. Chỉ cần thị trường nhập khẩu "hắt hơi" cũng khiến các DN lao đao.

Nghề nuôi ong không chỉ đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường mà nguy cơ nhiễm các chất kháng sinh cũng cao. Trong khi tiêu chuẩn nhập khẩu tại thị trường Mỹ hay EU ngày càng khắt khe. Nhiều lô hàng bị trả về do mật ong giả, mật trộn đường, đặc biệt do dư lượng thuốc kháng sinh quá mức cho phép, phổ biến là chất Carbenzamin (thuốc trừ nấm). Chỉ trong năm 2011, gần 600 tấn mật ong của các DN xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã bị trả lại do nhiễm Carbenzamin. Trong khi, xuất khẩu mật ong phụ thuộc rất lớn vào thị trường khó tính này. Sự việc trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của sản phẩm mật ong Việt Nam.

Bên cạnh, những tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu, trên thị trường còn xuất hiện nhiều mật ong giả, mật ong kém chất lượng. Hiện tượng vận chuyển trái phép mật ong từ Trung Quốc vào Việt Nam để xuất khẩu, vẫn chưa được ngăn chặn triệt để... ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu mật ong trong nước.

Để gỡ rối, hiện một số DN xuất khẩu mật ong đã và đang tăng cường tìm kiếm thị trường mới, thông thoáng hơn về tiêu chuẩn sản phẩm. Công ty cổ phần ong mật Đắk Lắk với thương hiệu "Dak Honey" nổi tiếng trên thị trường, đang tích cực mở rộng việc xuất khẩu sang Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông... Ông Lê Thanh Vân - Tổng giám đốc công ty cho biết: DN đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người nuôi ong lẫn DN bằng cách mở rộng thị trường xuất khẩu ở Trung Đông, Đông Á... Ngoài ra, công ty còn chú trọng phát triển chi nhánh, nhà phân phối, đại lý tiêu thụ sản phẩm trong cả nước.

Hoàng Vũ

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều