Xuất khẩu năm 2019: Ngành chủ lực khó cán đích

07:21 | 01/11/2019

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, nhập siêu đã quay lại trong tháng 10/2019 sau 4 tháng liên tục xuất siêu, ở mức 100 triệu USD. 

[Infographic]: Kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019
Giao thương quốc tế tháng 10/2019: Quay lại nhập siêu

Diễn biến này không nằm ngoài dự báo, bởi liên tục trong 2 năm trước đó, nền kinh tế đã đạt mức xuất siêu cao nhất vào tháng 8 và tháng 9, sau đó cán cân thương mại quay trở lại thâm hụt hoặc chỉ thặng dư nhẹ.

xuat khau nam 2019 nganh chu luc kho can dich
Galaxy Note 10/10 plus

Nhập siêu quay lại chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu giảm tốc trong tháng 10. Tổng cục Thống kê cho biết, đó là do Samsung kết thúc chu kỳ sản xuất cao điểm trong năm, kết thúc đợt đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới Galaxy Note 10, làm cho xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm sâu 13,5%. Hiện nhóm hàng này chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2019 ước tính đạt 22,4 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 cũng giảm 0,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng cao 11,7%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 5,5%. Như vậy, tính chung 10 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2019, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu tăng khoảng 7,9%. Mặc dù vậy điểm sáng là kim ngạch của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh và Việt Nam tiếp tục xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp.

Có thể thấy rằng mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, song nhờ lợi thế các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều là các sản phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng, nên tình hình xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn được đánh giá là tương đối tích cực trong bối cảnh chung.

Theo đó, trong 10 tháng năm 2019 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điện thoại và linh kiện vẫn là nhóm có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 43,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 17,1%; hàng dệt may tăng 8,7%; giày dép tăng 11,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7,6%.

Tuy nhiên, đáng tiếc là kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thủy sản đạt 7 tỷ USD, giảm 3,4%; rau quả đạt 3,1 tỷ USD, giảm 5,8%; hạt điều đạt 2,7 tỷ USD, giảm 3,8% (lượng tăng 22,7%); gạo đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7,8% (lượng tăng 6,1%); cà phê đạt 2,4 tỷ USD, giảm 21,5% (lượng giảm 13,8%); hạt tiêu đạt 629 triệu USD, giảm 7,4% (lượng tăng 19,6%)…

Nhìn về tương lai xa, nhiều ngành hàng xuất khẩu đang nhấp nhổm không yên vì kế hoạch năm nay sẽ khó cán đích khi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2019. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tính đến tháng 9, hầu hết các đơn vị chưa đủ đơn hàng cho đến cuối năm. Đáng chú ý, hầu hết khách hàng khá thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn do nghe ngóng tình hình thế giới, đặc biệt ép giá thấp hơn so với năm 2018, dẫn đến lợi nhuận DN sụt giảm. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia.

Trước tình hình đó, Vinatex dự báo xuất khẩu dệt may trong năm 2019 sẽ đạt khoảng 39,6 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2018. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu dệt may cả năm không đạt được mục tiêu đã đề ra là 40 tỷ USD.

Tương tự dệt may, nhóm hàng chủ lực của khối DN trong nước là nông, lâm, thủy sản cũng dự báo khó cán đích. Mặc dù lượng xuất khẩu tăng, song giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm này nhiều khả năng chỉ tăng quanh mức 3% so với cùng kỳ năm 2018. Mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu cả năm 2019 đạt 43 tỷ USD đặt ra từ đầu năm đến nay là khá mong manh.

Đức Ngọc

Tin đọc nhiều