Xuất khẩu nông sản: Đừng tự đánh mất thị trường

16:59 | 11/05/2012

Các DN cần bắt tay với nông dân để hình thành các chuỗi liên kết.

Từ cạnh tranh không lành mạnh

Theo Bộ NN&PTNT, từ cuối năm 2011, thị trường nông sản thế giới có xu hướng giảm cả về nhu cầu và giá nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành.

Song vấn đề đang được quan tâm hơn cả là lợi thế cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam đang suy giảm. Bên cạnh sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều nước, các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng đang tự mình đánh mất thị trường.

Tháng 4/1012, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản ước đạt 2,1 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên gần 8 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính đạt 4,6 tỷ USD, giảm 6,6%; thủy sản gần 1,9 tỷ USD, tăng 16,4%; lâm sản 1,5 tỷ USD, tăng 23,8%.

Đơn cử như gạo - mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn và là ưu thế của Việt Nam. Xuất khẩu gạo của Việt Nam mặc dù chiếm lĩnh thị trường cao nhưng đang phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ… Trước tình hình thị trường gạo xuất khẩu trên thế giới có nhiều cạnh tranh, Ấn Độ đã hạ giá bán gạo để đẩy mạnh lượng gạo bán ra. Trước đây, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ là 440 USD/tấn nhưng nay đã hạ giá xuống còn 430 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại của Việt Nam là 5 USD/tấn. Từ cuối năm 2011, Việt Nam bị mất 25% thị phần gạo cấp thấp ở thị trường châu Phi vào tay Ấn Độ.

Cũng vì áp lực giảm giá, một số DN Việt Nam thời gian gần đây đã chào bán gạo giá thấp vào thị trường Malaysia. Đây được cho là hành động không lành mạnh của các DN Việt Nam. Hậu quả là Malaysia trì hoãn không nhận hàng và thông báo tạm ngừng nhận hàng trong tháng 6, chờ Chính phủ cấp quota mới. Hành động này có thể dẫn tới xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia sẽ bị thu hẹp. Mặt khác, để tăng cường xuất khẩu vào thị trường này, các DN Việt Nam đã có những hành động vi phạm, đó là DN ký hợp đồng bán gạo vào nước nào đó, sau khi tàu rời bến sẽ đổi bộ chứng từ để nhập vào cảng của Malaysia. Trước vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng, nếu phát hiện DN nào vi phạm sẽ xử lý bằng cách rút giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bộ Công Thương cũng cảnh báo, nếu các DN Việt Nam có những hành động cạnh tranh không lành mạnh có thể sẽ dẫn đến mất một số thị trường.

Ảnh: MH
4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 1,758 triệu tấn.

Đến vi phạm quy định

Rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm đang khiến cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam bị mất thị trường. Các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU có quy định và điều kiện cho hàng thực phẩm rất cao và nghiêm ngặt. Các DN Việt Nam do chỉ quan tâm tới đầu ra sản phẩm mà không chú trọng đến chất lượng.

Đầu năm 2012, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu đã có thông báo với Việt Nam là trong thời gian từ ngày 15/1/2012 đến 15/1/2013 nếu phía EU phát hiện có 5 lô hàng nữa bị nhiễm các đối tượng dịch hại thì EU sẽ xem xét ngừng nhập rau quả từ Việt Nam. Tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn vi phạm và đến nay đã có 3 lô hàng bị phát hiện. Vì vậy, Ủy ban châu Âu mới đây đã lên tiếng cảnh báo nếu phát hiện Việt Nam có thêm 2 trường hợp lô hàng xuất khẩu rau quả vi phạm các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, thị trường EU sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng này từ Việt Nam. Cũng vì không đảm bảo chất lượng cũng như tiêu chuẩn theo quy định, các DN cũng đang khó khăn trong việc đàm phán xuất khẩu, thậm chí mất gần 50% hợp đồng xuất khẩu so với năm trước ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, EU kiểm dịch thực vật rất kỹ và là một thị trường khó tính, nếu phát hiện một chút đối tượng dịch hại cũng trả lại cả lô hàng. Từ cuối năm 2011, Cục đã họp với trên 60 DN có rau quả xuất khẩu sang thị trường EU để cảnh báo kiểm soát dịch hại. Ông Hồng cho rằng, giá trị xuất khẩu rau quả sang EU có giá trị khá cao, nên các DN phải đảm bảo đúng yêu cầu để giữ vững thị trường. Trước mắt, ngay tại Việt Nam phải tăng cường hàng rào kỹ thuật, kiểm tra nghiêm ngặt đối với chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhằm tránh rủi ro tại thị trường châu Âu. Rau quả của các DN xuất khẩu sang thị trường này phải có xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP hoặc GlobalGAP… Các DN cần bắt tay với nông dân để hình thành các chuỗi liên kết dọc, bảo đảm sản xuất sạch và có thể kiểm soát được cả quy trình.

Nguyễn Minh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều