Xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ: Cơ hội nâng cao chất lượng hàng hóa Việt

16:55 | 19/04/2012

Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2012 đặt ra yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa khi xuất khẩu vào Mỹ. Điều này có thể gây trở ngại cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, đây lại là cơ hội DN Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa... để chuẩn bị cho chiến lược xuất khẩu bền vững.

Ông Tạ Hoàng Linh - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, từ khi Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ, thương mại hai nước tăng lên rất nhanh Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Bằng chứng là năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt 16,9 tỷ USD, tăng 18,9% so với 2010, chiếm tỷ trọng 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Mỹ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2012 đạt gần 3,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 2,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt khoảng 700 triệu USD.

Ảnh: MH
Luật hiện đại hoá ATTP của FDA không làm tăng thêm nhiều chi phí cho DN. (Ảnh: MH)

Tuy nhiên, theo ông David Lennarz, từng là chuyên gia kỹ thuật FDA, nếu tận dụng triệt để các lợi thế của mình, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ thành công hơn nữa. Bởi lẽ đến nay nhiều DN Việt Nam vẫn chưa tiếp cận một cách toàn diện và hiểu biết cặn kẽ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Hoa Kỳ. Đặc biệt, Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của FDA được Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Mỹ Obama ký ngày 4/1/2011 đã tạo ra những thay đổi quan trọng nhất đối với hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm trong hơn 70 năm qua. Nó không chỉ đặt ra các yêu cầu rộng hơn với các nhà máy sản xuất, chế biến, đóng gói, phân phối thực phẩm mà còn cho phép FDA có quyền lực thi hành trên phạm vi rộng hơn.

Theo đó, bắt đầu từ năm 2012, cứ 2 năm một lần, mỗi cơ sở thực phẩm phải đăng ký lại với FDA. Việc đăng ký lại sẽ được yêu cầu phải thực hiện trong quý IV hàng năm chẵn. Cơ sở đặt bên ngoài Mỹ sẽ tiếp tục được yêu cầu phải chỉ định một đại diện tại Mỹ để FDA liên lạc theo Luật Chống khủng bố sinh học năm 2002. "Các DN Việt Nam phải thông báo bằng văn bản về tên hàng, số lượng, và các văn bản liên quan đến ATVSTP… tới FDA trước khi lô hàng được cập cảng để hạn chế thấp nhất rủi ro phát sinh. Bởi nếu phát hiện sai phạm, FDA có thể đình chỉ đăng ký của một cơ sở sản xuất thực phẩm, cho tới khi FDA xác định nguyên nhân đã được sửa chữa và không gây hại cho sức khỏe về sau. Không những thế, nếu lô hàng bị nghi ngờ sản phẩm lẫn tạp chất hoặc ghi sai nhãn còn bị lưu giữ tại biên giới trong 30 ngày" - ông David Lennarz khuyến cáo.

Song, với thực tế hoạt động của mình, một số DN xuất khẩu Việt Nam dường như vẫn lạc quan khi cho rằng Luật an toàn thực phẩm mới của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của mình. Đại diện CTCP Vina Commodities - bà Ôn Bích Lệ cho biết, là công ty xuất nhập khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam, năm 2011, đơn vị này xuất khẩu sang Mỹ khoảng 100 tấn hạt điều nhân. Việc áp dụng Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của FDA thực tế cũng không làm tăng thêm nhiều chi phí. Bởi khi xuất khẩu sang Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác, đơn vị vẫn phải thực hiện đầy đủ các loại chứng từ về ATVSTP. Trước khi đóng hàng, các bộ phận chuyên môn phải hun trùng, khử mối mọt, đảm bảo ATVSTP… "Chỉ có điều phức tạp hơn là Mỹ yêu cầu DN phải gửi trước bộ chứng từ để họ kiểm tra có khớp với quy định hay không, sau đó hàng hóa mới được vào Mỹ. Điều này cũng khiến thời gian thông quan chậm hơn một chút, chứ chi phí không gia tăng thêm bao nhiêu" - bà Lệ khẳng định.

Nhìn ở góc độ tích cực hơn, đại diện Công ty TNHH chè Á Châu - ông Lê Phương cho biết, việc nâng cao tiêu chuẩn hơn với hàng hóa thực phẩm khi xuất khẩu vào Mỹ chưa hẳn là hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế thương mại. Bởi lẽ, dù thực tế công nghệ sản xuất của DN Việt Nam không bằng một số nước phát triển. Tuy nhiên, nếu muốn xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, DN phải vươn lên bằng cách áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của họ. Nếu nói rằng, dựng yêu cầu lên để gây khó khăn cho DN Việt Nam thì không hợp lý. Vì người dân Mỹ đang sử dụng hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng Mỹ. Nếu công nghệ của DN Việt Nam không đáp ứng được thì đương nhiên phải chịu thiệt. "Việc của DN Việt Nam là hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng Mỹ, chứ không thể yêu cầu Mỹ phải hạ tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa cho Việt Nam"-ông Phương cho hay.

Dương Công Chiến

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều