Xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp gỗ

15:32 | 27/11/2019

Ngày 27/11, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Các nhà sản xuất đồ gỗ Đài Loan (TFMA) tổ chức Triển lãm nội thất quốc tế Việt Nam (VIFF 2019) quy tụ hơn 100 doanh nghiệp, 500 gian hàng, trong đó có đến 180 gian hàng đến từ các nước Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan...

Doanh nghiệp gỗ Việt phải chủ động hơn nữa
Doanh nghiệp gỗ Việt chiếm lợi thế ở thị trường Mỹ
TP. HCM cam kết cùng doanh nghiệp gỡ vướng

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, triển lãm nội thất quốc tế Việt Nam sẽ là sân chơi hữu ích giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước xúc tiến thương mại, tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường, liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, giúp các nhà sản xuất đồ nội thất nâng cao tầm nhìn, thương hiệu của mình tại Việt Nam, khu vực và trên thế giới; góp phần phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế.

xuc tien thuong mai cho doanh nghiep go

Theo đó, Việt Nam cũng đã phê chuẩn và đang triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã được ký kết với các quốc gia tạo thuận lợi cho Việt Nam do lợi thế cắt giảm thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan, đây đều là những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt ở thị trường 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 4.700 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu, chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn nhiều dư địa để phát triển. Nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nên bước đầu đã phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ.

“Xuất khẩu gỗ đã tăng trưởng hằng năm đến tháng 11, ước đã xuất khẩu được 9,38 tỷ USD. Và ước năm 2019 sẽ đạt được con số 11 tỷ USD, tăng 0,5 tỷ USD so với con số đăng ký với Chính Phủ (10,5 tỷ USD). Với mục tiêu phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế trong 10 năm tới, hội chợ triễn lãm sẽ là cơ hội để xúc tiến đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và giao lưu, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp đến từ EU”, ông Phong khẳng định.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều