Yên tâm vay mua nhà để “an cư lạc nghiệp” trong mùa dịch |
Thấu hiểu mong mỏi của khách hàng
Anh Vũ Việt Trung (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh gồm 4 người đang thuê một căn chung cư mini khoảng 50m2 để ở. Dịch COVID-19 kéo dài, anh lo lắng không yên về nơi ăn chốn ở vì thu nhập giảm nhưng tiền thuê nhà vẫn cao, về quê sợ lây lan dịch bệnh, vì vậy, mong muốn sở hữu một căn nhà của riêng mình với không gian sống rộng rãi tại Thủ đô của anh Trung càng thêm mãnh liệt. Nhưng, số tiền gia đình anh tích góp từ trước đến nay vẫn chưa thấm vào đâu so với mức tăng giá căn hộ.
Đây không chỉ là mong mỏi của riêng anh Trung mà còn của rất nhiều gia đình khác. Theo báo cáo thị trường mới nhất của chuyên trang Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm mua chung cư ở Hà Nội vẫn tăng tới 8% trong tháng Năm. Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng... trong quý II có tới 29.949 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch bình quân tăng 18% bằng so với quý trước và nhỉnh hơn khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân trong quý II/2021 tại Hà Nội tăng khoảng 5-7% so với quý trước.
Nhu cầu mua và giá căn hộ đồng loạt tăng khiến mong muốn sở hữu nhà của nhiều người dân càng thêm khó khăn. Thấu hiểu điều này, nhiều ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ lãi suất cho người dân. Trong tháng 8, nhiều ngân hàng có động thái giảm lãi suất cho vay mua nhà với mức giảm từ 0,2 - 1,3 điểm phần trăm nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua nhà 0,1%/năm so với mức lãi suất áp dụng hồi tháng 3. Cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà, xây sửa nhà đất - nhà dự án và tiêu dùng thế chấp bất động sản tại ngân hàng với mức lãi suất chỉ từ 5,9%/năm trong 6 tháng vay đầu tiên hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng vay đầu tiên. Mức cho vay tối đa 90% giá trị, thời gian vay 30 năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết sẽ giảm lãi suất 2 điểm phần trăm/năm so với lãi suất hiện hành với các cá nhân vay mua nhà để ở, có nguồn thu nhập từ lương tại địa bàn khu vực phía Nam và giảm 1,5 điểm phần trăm/năm tại địa bàn khác. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thông báo giảm 1% lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân để phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.
Các ngân hàng nước ngoài cũng không đứng ngoài cuộc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mua nhà mùa dịch. Đơn cử, Ngân hàng HSBC Việt Nam kích hoạt chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Theo đó, khách hàng vay thế chấp với lãi suất vay mua nhà 6,5%/năm trong năm đầu, cố định 5 năm là 9,74%/năm, lãi suất thả nổi (lãi suất cơ bản cộng với biên độ là 10%/năm). Tỷ lệ cho vay tối đa 70% giá trị tài sản và giá trị khoản vay lên đến 12 tỉ đồng, thời gian cho vay 25 năm.
Chưa kể, nhiều nhà băng còn kết hợp cùng các dự án hỗ trợ lãi suất 0% trong một khoảng thời gian nhất định, dư nợ lên đến 80% giá trị căn hộ…
Tăng cường kiểm soát rủi ro
Các ngân hàng tăng hỗ trợ lãi suất để người dân sở hữu được ngôi nhà như mong muốn cũng tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nhiều ngân hàng giảm lãi suất có thể coi là động thái kích cầu thị trường, nhiều khách hàng sẽ mạnh dạn vay vốn để mua bất động sản. Với các mức giảm thấp như khoảng 0,2 điểm phẩn trăm/năm thì chưa phải là mức hấp dẫn, mục tiêu kích cầu chỉ đạt được khi mức giảm lãi suất khoảng 1 điểm phẩn trăm/năm.
Tuy nhiên, thời gian cho vay ưu đãi của các ngân hàng thường từ 3 tháng đến 36 tháng, sau đó lãi suất được tính toán dựa trên một mức lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất tiết kiệm) cộng thêm biên độ 3-4% tùy từng ngân hàng. Vì vậy, các chuyên gia lưu ý trước khi ký hợp đồng vay tiền mua nhà, khách hàng phải đọc và xem xét thật kỹ từng điều khoản trên hợp đồng như lãi suất, cách thức tính lãi, ưu đãi… Người dân xác định vay tiền ngân hàng để mua nhà cũng cần phải cân nhắc kỹ bài toán trả nợ vốn cũng như các chi phí kèm theo.
Bên cạnh theo dõi lãi suất, khách hàng vay mua nhà cần lựa chọn tỷ lệ vay phù hợp. Chuyên viên của một công ty môi giới bất động sản cho biết, tỷ lệ vay 50% giá trị tài sản được xem là mức vay lý tưởng và ít áp lực nhất, giúp người vay vốn vừa dễ dàng thanh toán tiền vay cho ngân hàng vừa có thể trang trải các chi tiêu khác trong cuộc sống. Trong trường hợp mức vay lớn hơn 50% giá trị ngôi nhà, người vay phải đối mặt với áp lực trả nợ nhiều hơn, nhất là khi dịch COVID-19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khách hàng còn phải chuẩn bị phương án dự phòng khi đối mặt với rủi ro vay tiền mua nhà nhưng vẫn chưa thể về ở. Cụ thể, trường hợp dự án có nguồn cấp vốn ban đầu là ngân hàng, nhưng khi chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ thì ngân hàng không tiếp tục cho vay dẫn đến việc bị chậm, tạm dừng, thậm chí dự án "đắp chiếu", và việc giảm lãi suất chỉ giúp nhẹ gánh hơn cho người dân khi mua nhà, nhưng nó lại không giúp được cho các dự án...
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Ái Nhiên