4 giải pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi EVFTA có hiệu lực

15:14 | 06/09/2019

Nâng cao thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một nội dung quan trọng mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đặt ra. Nhưng trên thực tế, việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả, cho dù pháp luật đã có các quy định thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng các biện pháp dân sự, hình sự và hành chính.

EVFTA: Khó tận dụng nếu tiếp tục tư duy và nền sản xuất cũ
Hỗ trợ DN ngành nông nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi từ EVFTA
Đừng để hàng giả, hàng nhái có đất “diễn”
Ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử
Khó kiểm soát hàng giả, kém chất lượng
4 giai phap thuc thi quyen so huu tri tue khi evfta co hieu luc

Theo Bộ Công Thương, tuy đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhưng trên thực tế cho thấy, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, làm nản lòng nhà đầu tư và gây tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội.

Do vậy, có thể khẳng định, một trong những điểm yếu và cũng là thách thức lớn nhất của Việt Nam khi đáp ứng các yêu cầu EVFTA đặt ra chính là hiệu quả của hoạt động thực thi còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp tư pháp.

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị với chuyên đề một số cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ trong EVFTA. Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết về cơ bản, EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi (đặc biệt tại biên giới) và chủ sở hữu quyền. Đồng thời, nâng cao mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công Thương cũng đã trình bầy một số giải pháp trọng tâm nhằm cải thiện công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực.

Thứ nhất là cần xây dựng chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện Việt Nam vẫn chưa có chương trình hành động thống nhất ở phạm vi quốc gia về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Việc gắn kết lỏng lẻo giữa các cơ quan thực thi thuộc các bộ, ngành khác nhau là một trong những nguyên nhân cản trở quá trình xây dựng pháp luật cũng như thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Vì vậy, Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, trong đó xây dựng các bước đi phù hợp và hiệu quả với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam

Thứ hai là cần nâng cao năng lực chuyên môn về sở hữu trí tuệ và năng lực thi hành công vụ cho các cơ quan, lực lượng chức năng. Bởi hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua còn thấp có một phần nguyên nhân từ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bộ phận thực thị công vụ. Do vậy, việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho bộ phần này là yêu cầu bức thiết. Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho các cơ quan, lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh sự nỗ lực từ phía cơ quan nhà nước, Việt Nam cũng cần có chương trình trợ giúp các chủ thể quyền, các hiệp hội ngành nghề về chiến lược, kỹ năng phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi quyền trong phát hiện, xử lý vi phạm.

Thứ ba là tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan thực thi. Việc tăng cường hiệu quả, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan hành chính, xét xử và cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động chia sẻ thông tin, phối hợp hành động sẽ giúp việc thực thi quyền được hiệu quả hơn.

Để việc phối hợp trên được hiệu quả, Việt Nam cũng cần hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật về cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong công tác ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ của các cơ quan, lực lượng chức năng.

Thứ tư là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Việt Nam cần phát huy vai trò của các cơ quan thông tin báo chí trong việc đấu tranh lên án, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, việc kết hợp tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng chủ động, tích cực tham gia phòng chống gian lận thương mại cũng cần được khuyến khích nhằm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam cũng cần tăng cường vai trò của xã hội trong việc theo dõi, phối hợp, đánh giá tình hình, qua đó xây dựng và củng cố niềm tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng đối với công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Thanh Tùng

Tin đọc nhiều