Bị cạnh tranh không lành mạnh

Ai bảo vệ doanh nghiệp?

10:14 | 17/03/2015

Dường như vai trò “trọng tài” của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn khá chậm chạp và mờ nhạt khi chưa làm yên lòng người tiêu dùng cũng như phân định đúng sai của DN?

Gần đây dư luận đang “nóng” lên về những thông tin không hay liên quan đến Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiệp Phát). Một DN đứng đầu ngành nước giải khát tại Việt Nam.

Đã có không ít bài báo phân tích câu chuyện “dị vật” theo những cách khác nhau, song gần đây có một bài báo đặt vấn đề “Giả định có cạnh tranh không lành mạnh?” trong câu chuyện “dị vật” này, làm người viết liên tưởng đến câu chuyện xảy ra tại thị trường miền Trung mà chủ yếu là Đà Nẵng vào cuối năm 2012 cũng với một “ông lớn” trong ngành nước giải khát Việt Nam là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.

ai bao ve doanh nghiep
Để “minh oan” cho mình, đích thân ông Trần Quí Thanh đưa người tiêu dùng tham quan nhà máy.

Tin đồn “Uống bia Sài Gòn sẽ bị tiểu đường” lan truyền trên thị trường như “cơn lốc” lúc bấy giờ đã làm cho sản phẩm này một phen lao đao. Sản lượng tiêu thụ bị sụt giảm thê thảm. Các nhà hàng tại thành phố Đà Nẵng, đâu đâu các khách hàng cũng nói không với sản phẩm mang tên bia Sài Gòn.

Trước tin đồn về việc uống bia Sài Gòn bị tiểu đường dấy lên ở một số tỉnh thành miền Trung, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm đã vào cuộc và lấy một số mẫu của bia chai và bia lon cùng loại sản phẩm này đang thịnh hành tại thị trường để kiểm tra. Kết quả cho thấy, nồng độ cồn đạt từ 4,48 đến 5,39 và hàm lượng đường đạt 1,5 đều ở mức cho phép và không có dấu hiệu bất thường.

Nhận định về tin đồn này, ông Lê Hồng Xanh, Giám đốc Marketing Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cho rằng, tin đồn có thể xuất phát từ các chủ phân phối bia cạnh tranh không lành mạnh tung ra. Theo ông Xanh, các hãng bia khi đã tạo chỗ đứng trên thị trường thì luôn luôn củng cố thương hiệu bằng chất lượng hoàn hảo nhất. Bất cứ một sản phẩm mới nào trước khi đến tay người tiêu dùng đều phải kiểm nghiệm một cách kỹ càng và đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như sức khỏe.

Các thông cáo báo chí kịp thời khẳng định bia Sài Gòn luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, công ty áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008, ISO 14000 và HACCP. Chất lượng của bia Sài Gòn đã được khẳng định bằng hệ thống quản lý chất lượng - an toàn thực phẩm - môi trường do tổ chức quốc tế Bureau Veritas Certification cấp.

Đặc biệt, trong một hội thảo, GS.TS Nguyễn Hải Thủy, Phó chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam cho biết, tin đồn bia Sài Gòn gây bệnh đái tháo đường là không có cơ sở khoa học, vì lượng đường trong bia ở mức thấp (lượng đường trong chai bia chỉ bằng 1/7 so với 1 chén cơm). Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, thông tin trên là không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.

Tin đồn chỉ là vậy, song để dập tắt tin đồn và làm an lòng người tiêu dùng, nhất là để các “thượng đế” quay lại với sản phẩm của mình cũng không hề dễ dàng. Bia Sài Gòn đã phải mất một thời gian dài và cho đến nay vẫn chưa lấy lại được thị phần tại thị trường Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung như đã từng có.

Gần đây lại nổi lên vụ việc liên quan đến các sản phẩm của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Bắt đầu là chuyện nghi vấn “con ruồi” trong chai nước tăng lực Number One xảy ra tại Tiền Giang, tiếp theo DN này lại phải đối đầu với sự vụ 6 chai nước gắn nhãn Dr. Thanh có “dị vật” ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Cách đây ít ngày, lại xuất hiện 3 chai nước đậu nành ở Đà Nẵng gắn nhãn mác Tân Hiệp Phát bị mốc đen.

Khi điểm lại các sự vụ liên quan đến Tân Hiệp Phát, không ít người thắc mắc vì sự trùng lặp không bình thường về thời gian rộ lên các khiếu nại. Cũng chính vì vậy đã có ý kiến đặt ra, liệu Tân Hiệp Phát đang vấp phải “chiêu” cạnh tranh không lành mạnh của các đối thủ trong ngành đồ uống? Đáng chú ý, đối tượng khiếu nại trong các sự vụ xảy ra liên tiếp vừa qua với Tân Hiệp Phát không phải do trực tiếp người tiêu dùng mà là các đại lý, nhà phân phối? Tân Hiệp Phát có quyền nghi ngờ về điều đó.

Là một DN đang nắm giữ thị phần top đầu ngành giải khát trong nước. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Tân Hiệp Phát đã khẳng định được thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng Việt với nhiều sản phẩm uy tín, chất lượng, có lợi cho sức khỏe được sản xuất trên dây chuyền hiện đại như: nước tăng lực Number 1, trà xanh Không độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nước trái cây Juicie, sữa đậu nành cao cấp Number 1 Soya, nước uống vận động Active…

Năm 2006, Tân Hiệp Phát vinh dự là DN nước giải khát đầu tiên tại Việt Nam đạt 3 chứng chỉ tích hợp ISO 9001, ISO 14001 và HACCP. Tân Hiệp Phát liên tục mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng 3 nhà máy tại Hà Nam, Chu Lai, Hậu Giang. Hướng đến trở thành tập đoàn hàng đầu châu Á.

Mới đây, phát biểu với báo chí ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Tân Hiệp Phát một lần nữa khẳng định do Tân Hiệp Phát đang là đơn vị đứng đầu ngành nước giải khát tại Việt Nam nên bị cạnh tranh không lành mạnh. Ông Thanh cho biết: “Nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, nên sẽ có nhiều hàng hóa tràn vào, và không ít trong số họ muốn loại bỏ chúng tôi”.

Luật sư Nguyễn Trung Trực, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho rằng: Việc sớm thiết lập một hành lang pháp lý rõ ràng và riêng biệt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN là điều nên làm, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một môi trường thu hút đầu tư và tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng mục tiêu trước hết là phải bảo vệ DN trong nước .

Trở lại với bài báo “Giả định có cạnh tranh không lành mạnh?” thì ai sẽ bảo vệ DN trong những trường hợp này? Khi mà đằng sau một thương hiệu là việc bảo đảm sức khỏe cho hàng triệu người tiêu dùng, là công ăn việc làm của hàng nghìn người lao động gắn với nhà máy, nhà phân phối sản phẩm, cùng với đó là hàng nghìn tỷ đồng tiền nộp thuế cho nhà nước mỗi năm?

Dường như vai trò “trọng tài” của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn khá chậm chạp và mờ nhạt khi chưa làm yên lòng người tiêu dùng cũng như phân định đúng sai của DN? Nếu DN cho ra sản phẩm không đảm bảo yêu cầu chất lượng thì đề nghị ngừng sản xuất. Còn nếu đảm bảo được chất lượng thì cần có một phát biểu của cơ quan có trách nhiệm để làm yên lòng người tiêu dùng và cũng là minh oan cho DN vậy.

Đỗ Hùng

Tin đọc nhiều