Băn khoăn hóa đơn điện tử

10:25 | 15/09/2017

Theo Bộ Tài chính, việc sử dụng hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế mang lại khá nhiều tiện ích như: tính bảo mật cao; khắc phục được tình trạng làm giả hóa đơn; giảm thời gian làm thủ tục hành chính thuế..

Sẽ áp dụng rộng rãi hoá đơn điện tử
Viettel mở rộng triển khai hóa đơn điện tử tại 7 tỉnh, thành

Lo thiếu đồng bộ, thêm chi phí

Thông tin về việc đẩy mạnh dùng hóa đơn điện tử, theo dự thảo nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ mà Bộ Tài chính mới đưa ra lấy ý kiến, đang được nhiều DN đặc biệt quan tâm. Sở dĩ như vậy là vì, những thay đổi trong quy định về hóa đơn tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN: thay đổi thói quen về kế toán; phải thiết lập quy trình mới cho hoạt động này; đào tạo nhân lực lại thêm chi phí; đòi hỏi từ khách hàng, đối tác mua hàng hóa dịch vụ có thể khác… Chính vì vậy, quy định sẽ áp dụng trên diện rộng từ năm 2018 đối với hóa đơn điện tử khiến nhiều DN băn khoăn.

ban khoan hoa don dien tu
Việc chuyển toàn bộ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là cần thiết

Quan ngại đầu tiên là sự thiếu đồng bộ trong triển khai hóa đơn điện tử có thể gây khó khăn cho hoạt động của DN. “Trường hợp vận chuyển hàng hóa trên đường đi, DN phải cầm theo hóa đơn đỏ để các cơ quan chức năng kiểm tra. Vậy khi quy định sử dụng hóa đơn điện tử có hiệu lực thì chúng tôi biết đưa ra cái gì để kiểm tra?”, đại diện một DN thắc mắc.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nói thẳng, việc mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử kể từ ngày 1/1/2018 sẽ khó thực hiện được nếu các cơ quan công quyền thanh tra, công an, quản lý thị trường vẫn đòi hỏi DN phải có hóa đơn giấy mỗi khi tiến hành thanh – kiểm tra.

Trong khi đó, lo ngại về chi phí lớn hơn, việc tuân thủ quy định mới phiền phức hơn, đại diện một NHTM đề cập thẳng tới việc hóa đơn điện tử phải có mã xác thực của cơ quan thuế. “Mức phí cho mỗi hóa đơn điện tử có mã xác thực là 300 đồng. Đây là mức phí không hề nhỏ so với in hóa đơn giấy. Trong khi đó, mục đích của việc chuyển từ sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là để giúp DN tiết kiệm chi phí. Nếu thực tế DN vẫn tốn mức phí quá lớn thì cần phải xem lại!”, vị này lên tiếng.

Cũng góp ý vào dự thảo, nhiều DN đề xuất không thu phí dịch vụ trên từng hóa đơn mà nên để DN tự chủ động trong dịch vụ hóa đơn điện tử. Sau đó, nhà kinh doanh sẽ gửi bản kê khai hóa đơn hàng tháng cho cơ quan thuế, như vậy sẽ giảm chi phí và phiền phức cho DN.

Đứng ở góc độ của DN, vì lợi ích DN và cả nền kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, thẳng thắn góp ý, việc đồng loạt sử dụng hóa đơn điện tử từ đầu năm 2018 là “quá gấp gáp, không đủ thời gian cho DN chuẩn bị”. Do vậy, ông Tuấn đề nghị cần có lộ trình 1-2 năm để DN lẫn cơ quan thuế có thể chuẩn bị tốt. Trong thời gian này, DN vẫn sử dụng hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử song song, tùy trường hợp.

Có nhiều lợi ích

Hóa giải mối lo của DN, phía Bộ Tài chính cho biết việc thí điểm tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thời gian qua cho thấy hóa đơn điện tử giúp DN lẫn cơ quan thuế giảm thời gian làm thủ tục hóa đơn. Chẳng hạn với hóa đơn giấy, DN tốn năm công đoạn trong khi hóa đơn điện tử chỉ một công đoạn đăng ký là xong. Bên cạnh đó, DN giảm được chi phí in, lưu trữ, giúp sàng lọc hóa đơn của các DN bỏ trốn, loại bỏ được tình trạng hóa đơn giả…

Về vấn đề chi phí, Bộ thông tin thêm, mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 4 tỷ hóa đơn giấy, mỗi hóa đơn 2-3 liên, tức là mỗi năm phải in trên 10 tỷ tờ hóa đơn. Nếu không áp dụng hóa đơn điện tử, chỉ thời gian ngắn nữa, mỗi năm sẽ sử dụng 7-8 tỷ tờ hóa đơn và số lượng hóa đơn phải sử dụng hàng năm tiếp tục tăng cao do lượng DN gia tăng, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển…

Vì vậy, cần thiết phải chuyển hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử càng sớm càng tốt. Mặt khác, với hơn 4,1 tỷ hóa đơn giấy mỗi năm, cơ quan thuế không thể xác minh được hết, chưa kể mất khá nhiều thời gian. Vì vậy, việc chuyển toàn bộ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là cần thiết.

Về thời gian áp dụng, Bộ Tài chính khẳng định đối với các DN trước năm 2018 đã sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế thì tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử đang áp dụng; các DN có rủi ro cao về thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/1/2018. Với các tổ chức kinh doanh có mã số thuế trước năm 2018 sử dụng hóa đơn tự in từ hệ thống máy tính phải chuyển qua sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử do DN tự phát hành từ ngày 1/7/2018, còn hóa đơn do DN đặt in trước 1/1/2018 sẽ được tiếp tục sử dụng trong năm 2018…

Cũng theo Bộ Tài chính, việc sử dụng hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế mang lại khá nhiều tiện ích như: tính bảo mật cao; khắc phục được tình trạng làm giả hóa đơn; giảm thời gian làm thủ tục hành chính thuế; DN giảm thời gian chi phí giấy, in, vận chuyển. lưu trữ và không phải đăng ký sử dụng hóa đơn, đăng ký mẫu hóa đơn. Bên cạnh đó, DN không phải lập báo cáo sử dụng hóa đơn, dữ liệu từ hóa đơn điện tử được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng (VAT) nên DN không phải mất thời gian lập tờ khai hoàn thuế VAT...

Bộ Tài chính vừa chủ trì soạn thảo dự thảo nghị định sửa đổi nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, nghị định dự kiến trình lên Chính phủ trong tháng 10/2017 và đưa vào áp dụng từ ngày 1/1/2018. Theo dự thảo, Bộ Tài chính dự kiến mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử; đồng thời, có các quy định nhằm hạn chế sử dụng hóa đơn giấy, tiến tới áp dụng đại trà hóa đơn điện tử trong năm 2018.

Ba Quy

Tin đọc nhiều