Bán lẻ công nghệ loay hoay tìm lối đi

15:35 | 24/09/2018

Trước sự cạnh tranh gay gắt với loại hình bán hàng trực tuyến và xu hướng bán lẻ hiện đại, các DN bán lẻ trong nước đang phải lên kế hoạch thay đổi chiến lược kinh doanh của mình.

Bán lẻ ngoại chiếm lĩnh thị trường
Bán lẻ truyền thống vẫn phát triển tốt
Thay đổi chiến lược kinh doanh để bứt phá

Thời gian gần đây một số công ty bán lẻ công nghệ đã đổ tiền tỷ vào đầu tư hoạt động bán hàng trực tuyến (online) trong bối cảnh bán hàng trực tuyến đang bùng nổ. Trong đó phải kể đến Công ty cổ phần đầu tư Thế giới Di động (MWG) sau nhiều năm phát triển theo hướng chọn các vị trí mặt bằng đắc địa để mở cửa hàng, nay đang đầu tư phát triển bán sản phẩm công nghệ trực tuyến.

ban le cong nghe loay hoay tim loi di

Cùng với đó DN này đang tối ưu chi phí và thay đổi cơ cấu bán hàng hiện đại hơn. Thậm chí, đã có lúc MWG phải chọn cách tạm ngưng đầu tư vào mảng các sản phẩm di động và điện máy để tập trung vào mảng bán lẻ chuỗi thực phẩm Bách Hóa Xanh nhằm tăng doanh thu cho công ty. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này cũng thừa nhận chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh trước mắt mới chỉ hòa vốn và cần thêm một thời gian nữa mới kỳ vọng vào lợi nhuận. Quả vậy, kinh doanh thực phẩm không phải dễ dàng, do thị trường trong phân khúc này phân mảnh cao và đặc biệt sức ép cạnh tranh, biên lợi nhuận mỏng.

Một chuyên viên phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt - VDSC đánh giá, tại Việt Nam, tiêu chuẩn phổ biến nhất trong thực phẩm vẫn là VietGAP, trong khi thực phẩm organic (hữu cơ) còn là khái niệm rất mới mẻ và chưa phổ biến. Thực phẩm bán tại các cửa hàng không có nhiều khác biệt nên việc bán giá cao hơn mặt bằng chung sẽ khó có thể thành công. Chưa kể, DN này có xu hướng tăng tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm tươi sống. Một thực tế là các chuỗi bán lẻ có cơ cấu mặt hàng càng thiên về thực phẩm thì có biên lợi nhuận càng cao. Thế nhưng, ai cũng nhận thấy rằng, nếu hàng bán không hết phải bỏ đi sẽ bào mòn biên lợi nhuận vốn của các nhà bán lẻ, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm tươi thường có vòng đời rất ngắn.

Nhà bán lẻ công nghệ lớn thứ hai là FPT Retail cũng đã có những chiến lược thay đổi cách phân phối sản phẩm qua con đường online để tiết giảm tối đa chi phí hoạt động. Trước đó, tăng trưởng doanh thu của FPT Retail không như mong muốn được cho là đến từ 2 chương trình bán hàng trả góp (F. Friends và Subsidy) cùng với kế hoạch mở rộng chuỗi F. Studio bị trì hoãn do khó khăn đến từ đối tác Apple.

Điểm sáng hiếm hoi của FPT Retail là DN này đã nhanh tay mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu và đến nay DN này đã mở thêm 11 cửa hàng nâng tổng số 15 điểm bán thuốc. Tuy nhiên, lãnh đạo của DN cũng thừa nhận, việc bán lẻ dược phẩm có nhiều điểm khác biệt so với điện thoại, nhất là phải làm việc với số lượng lớn các nhà cung cấp. Cùng với thực tế là người dân vẫn chưa quen với mô hình chuỗi và có mức độ trung thành cao đối với các cửa hàng thuốc quen thuộc. Bán thuốc tân dược không dễ marketing để tăng doanh số chưa kể mặt hàng này không được phép quá hạn.

Trước sự cạnh tranh gay gắt với loại hình bán hàng trực tuyến và xu hướng bán lẻ hiện đại. Các DN bán lẻ trong nước đang phải lên kế hoạch thay đổi chiến lược kinh doanh của mình. Theo đó, không chỉ đầu tư thêm ở mảng trực tuyến, mà các DN này phải đầu tư sang các mảng tiêu dùng thiết yếu khác để cứu vớt những chỉ số tài chính đang tuột dốc. Mặc dù các công ty bán lẻ công nghệ đình đám một thời đã tìm ra cho mình những ngách đi có thể không phải thế mạnh của mình nhưng mọi kết quả dường như còn phải chờ thêm thời gian.

Lâm Anh

Tin đọc nhiều