Bán lẻ điện tử: Cạnh tranh tăng mạnh

08:50 | 09/07/2015

Mới đây, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) cho biết doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 được dự báo tăng trưởng 39% và 22% so với năm 2014, nhờ các cửa hàng mở mới nửa sau năm 2014 và yếu tố thị trường ủng hộ.

ban le dien tu canh tranh tang manh
Ảnh minh họa

Theo lãnh đạo của công ty này, chiến lược kinh doanh điện máy với các cửa hàng quy mô nhỏ sẽ giúp dienmay.com giảm được yếu tố rủi ro trong quá trình thăm dò thị trường và mở rộng kinh doanh.

Ngoài ra, chuỗi kinh doanh thegioididong.com tiếp tục mở rộng, tiến đến mốc thị phần 40% thị trường điện thoại và đẩy mạnh các chương trình chăm sóc khách hàng nhằm gia tăng độ trung thành của họ. Những ưu thế về thị trường cùng việc quản trị vốn lưu động tốt giúp cho MWG tự tin đặt ra con số lợi nhuận “khủng” trong năm 2015.

Thực tế, cơ sở để MWG tự tin là có, bởi hiệu suất sinh lời của MWG hiện tại cao hơn trung bình ngành nhờ vào hệ thống quản trị trên nền công nghệ thông tin xây dựng nội bộ (ERP). Bên cạnh đó, theo báo cáo của The Economist Intelligence Unit, ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 13% trong giai đoạn 2013-2018.

Nếu nhìn lại từ năm 2013 đến nay, tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ điện tử luôn duy trì quanh mốc 24%. Trong đó, nhóm sản phẩm thông tin liên lạc vẫn chiếm tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất.

Theo đó, riêng phân khúc sản phẩm thông tin liên lạc, với thị trường bán lẻ điện thoại Việt Nam năm 2015, giới chuyên gia còn dự báo tiếp tục tăng trưởng do rất nhiều yếu tố tác động. Cụ thể, tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh hiện khoảng 36%, và dự báo sẽ nâng lên 50% trong năm 2015 (theo Global Connected Consumer Study 2014 của TNS).

Ngoài ra, còn là sự phát triển của công nghệ giúp giảm giá thành sản phẩm, thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi sang dòng sản phẩm thông minh và thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tăng. Ngoài các yếu tố tăng cầu như trên, một số động lực khác hỗ trợ DN trong ngành như: chi phí thuê địa điểm kinh doanh (thường chiếm hơn 40% tổng chi phí hàng tháng của các cửa hàng bán lẻ điện máy) thấp hơn trung bình các năm gần đây (theo số liệu gần đây của CBRE, giá thuê mặt bằng bán lẻ quý 4/2014 tiếp tục giảm gần 12% so với quý 3/2014).

Bên cạnh đó, lãi suất vay duy trì ổn định ở mức hợp lý sẽ hỗ trợ DN về vốn tài trợ tài sản lưu động…

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những dự đoán dựa trên số liệu. Còn thực tế, các chuỗi cửa hàng của DN trong ngành rất dễ rơi vào tình trạng hoạt động dưới điểm hòa vốn kéo dài, thậm chí dẫn đến phá sản toàn DN do tính cạnh tranh mở rộng thị phần đang diễn ra gay gắt, đặc biệt là về giá và các rủi ro liên quan đến đặc thù kinh doanh.

Chưa kể, MWG hay một số DN cùng ngành đang đẩy mạnh mở rộng thị phần về thị trường tỉnh, nên quy mô một số DN lớn rất cồng kềnh. Lượng vốn lưu động luôn duy trì ở mức cao và chủ yếu có từ nguồn vay ngân hàng nên kết quả kinh doanh khá nhạy cảm với lãi suất.

Theo đánh giá của một chuyên gia, các DN thường chấp nhận biên lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ trong giai đoạn nhất định để cạnh tranh với đối thủ do đặc thù sản phẩm công nghệ dễ bị mất giá trị, cùng tham vọng mở rộng thị phần nhanh.

Vũ Hoàng

Tin đọc nhiều