Bắt nhịp đầu tư năng lượng tái tạo

09:24 | 02/08/2017

Với tài nguyên bức xạ mặt trời được đánh giá là khá dồi dào, các chuyên gia cho rằng chi phí lắp đặt điện mặt trời ở Việt Nam sẽ ngày càng hạ xuống, tạo điều kiện cho các NĐT tham gia vào lĩnh vực này. 

Tập trung phát triển năng lượng tái tạo
Năng lượng tái tạo là tương lai ngành điện Việt Nam
Năng lượng tái tạo đang lên ngôi

Giai đoạn 2010 -2030, mỗi năm nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam tăng thêm 10% và hiện nay được đáp ứng chủ yếu bằng việc tăng công suất nguồn điện than. Tuy nhiên, việc sử dụng điện than tiềm ẩn rất nhiều tiêu cực đối với phát triển bền vững. Vấn đề này được Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID) đặt ra tại hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững – góc nhìn công nghệ”, cùng với khuyến cáo, nhu cầu đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo hiện nay là rất cấp bách.

bat nhip dau tu nang luong tai tao
Ảnh minh họa

Theo ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Green ID, nhiều nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đã hoạt động tới 40 -50 năm, vì vậy đến thời điểm hiện tại, công nghệ đã rất lạc hậu. Thời gian tới, nếu phát triển nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII thì phải áp dụng các công nghệ mới; trong đó phải sử dụng các thông số siêu cao, trên siêu cao để hạn chế tối đa phát thải độc hại ra môi trường.

Cũng theo Green ID, để đạt mục tiêu 265 tỷ kWh vào năm 2020 và đến năm 2030 đạt 572 tỷ kWh, thì ngoài phát triển nhiệt điện than, cần nâng công suất của các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Ông Đỗ Đức Tưởng, thành viên Nhóm Năng lượng tái tạo Việt Nam cho rằng, Việt Nam rất phù hợp để phát triển pin quang điện, đặc biệt từ khu vực miền Trung trở vào đến phía Nam có mức xạ trung bình cao. Tại khu vực này, tiềm năng kỹ thuật ước tính tới 20GW cho điện mặt trời, nếu khai thác tốt sẽ giảm bớt nhu cầu điện than, và đảm bảo vấn đề môi trường.

Thực tế cũng cho thấy, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam được ban hành hồi tháng 4 vừa qua, đã trở thành cú hích và tạo làn sóng đầu tư vào điện mặt trời. Các NĐT trong nước và nước ngoài đã ồ ạt tìm đất và đăng ký xin cấp phép dự án.

Hiện trong nước đã có một số NĐT lớn tham gia vào các dự án điện mặt trời như Thiên Tân, Sao Mai, Thành Thành Công… Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có kế hoạch phát triển điện mặt trời tại các hồ thủy điện lớn, cũng như tiên phong trong lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Bên cạnh đó, nhiều công ty chuyên lắp đặt điện mặt trời cho hộ gia đình cũng phát triển mạnh như SolarBK, Vũ Phong, VIMETCO, SolarElectric… Các dự án điện mặt trời tập trung nhiều nhất ở Bình Thuận (khoảng 100 dự án), Ninh Thuận (140 dự án), Đắk Lắk (13 dự án), Khánh Hòa (12 dự án), Tây Ninh, An Giang, Gia Lai, Bình Phước, Thanh Hóa…

Điện mặt trời ở Việt Nam đã trở thành một lĩnh vực đầu tư nhiều tiềm năng. Hiện nay rất nhiều DN sản xuất pin mặt trời từ Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan… đã tìm đến đây.

Một số DN Việt Nam cũng đang đầu tư tích cực vào lĩnh vực này, như nhà máy của IREX (SolarBK) được khởi động từ tháng 2/2017, tập trung vào gia công tế bào quang điện và lắp đặt tấm pin quang điện. First Solar, sau khi tạm dừng nhà máy tại KCN Đông Nam ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, hiện đã quay trở lại và đang hoàn thiện nhà máy đưa vào vận hành, do dự báo nhu cầu thị trường và các dự án tiềm năng ở Việt Nam với Thiên Tân, Xuân Cầu… đang được triển khai.

Với tài nguyên bức xạ mặt trời được đánh giá là khá dồi dào, các chuyên gia cho rằng chi phí lắp đặt điện mặt trời ở Việt Nam sẽ ngày càng hạ xuống, tạo điều kiện cho các NĐT tham gia vào lĩnh vực này. Theo đó, một hệ 2kWp, 5kWp tại Hà Nội (bức xạ thấp) trung bình 1 ngày sản sinh được 8 - 20 số điện, và một tháng sản sinh được 250 - 600 kWh, ước tính hoàn vốn trong vòng 7,5 năm. Với dự án quy mô lớn 30-50MW, thu hồi vốn mất khoảng 12 năm.

TS. Lê Đăng Doanh bổ sung, Việt Nam có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, sinh khối, rác thải… Vì vậy, ông khuyến nghị cần có chính sách khuyến khích người dân tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm bớt phụ thuộc vào điện lưới sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Trước mắt, theo TS. Lê Đăng Doanh có thể tham khảo một số mô hình như ở Nhật Bản xây dựng nhà máy điện mặt trời trên đập nước. Việc rải pin mặt trời trên mặt nước vừa không tốn diện tích đất, vừa giảm bốc hơi nước 35%, nên giá thành sản xuất rẻ đi rất nhiều. Ông Doanh cho rằng các dự án thuỷ điện có thể kết hợp đầu tư theo mô hình này, và chắc chắn hiệu quả rất cao.

“Hiện nay, giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời trên thế giới đã rẻ lắm rồi, và sẽ còn rẻ đi nhanh chóng. Dự báo đến năm 2025, giá năng lượng mặt trời còn rẻ hơn điện than”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp với các xu hướng đầu tư mới, áp dụng kịp thời các tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Lan Hương

Tin đọc nhiều