Bình Dương: Vai trò DN tiến tới thành phố thông minh

09:02 | 30/11/2017

“Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp” được coi là mô hình “kiềng ba chân” để  Bình Dương huy động nguồn lực xã hội cùng phát triển thành phố thông minh.

15 giải pháp Thành phố thông minh sẽ được trình bày tại Demo Day
Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020

Mô hình “ba nhà”

Theo ông Mai Hùng Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thành phố thông minh có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó tất cả các thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng. Bình Dương xây dựng thành phố thông minh dựa trên bốn nền tảng chính là phát triển con người, phát triển doanh nghiệp, phát triển các cơ sở hạ tầng, mối quan hệ giữa nhà nước - nhà trường và doanh nghiệp.

binh duong vai tro dn tien toi thanh pho thong minh
Bình Dương đang tập trung khuyến khích các giải pháp công nghệ

Định hướng phát triển và xây dựng của đề án thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2021 hướng tới 4 lĩnh vực: con người (lực lượng lao động), công nghệ (nghiên cứu và phát triển), cộng đồng doanh nghiệp (doanh nghiệp và quan hệ doanh nghiệp), cơ sở hạ tầng và chất lượng sống của người dân.

Ông Dũng khẳng định, Bình Dương chú trọng phát triển nhân tố con người nhằm có những ý tưởng hay để ứng dụng vào thực tiễn, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng vững chắc giúp hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh. Ba đối tượng chính được phục vụ trong thành phố thông minh là chính quyền - doanh nghiệp - người dân.

Trong đó, người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, thăng tiến, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội...

Đối với doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí cho người dân.

Hiện nay, Bình Dương đang tiến hành xây dựng các phòng thực nghiệm công nghệ, trung tâm công nghệ nghiên cứu thông minh, tạo ra cơ sở dữ liệu chuỗi cung ứng; phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn… để tạo nền tảng căn bản cho việc xây dựng thành phố thông minh.

Không phải công nghệ mà là cách sử dụng công nghệ!

Ông Peter Portheine (đại diện Tập đoàn Brainport của Hà Lan, một trong những chuyên gia hàng đầu về xây dựng thành phố thông minh) cho biết, thành phố thông minh không phải là có công nghệ cao mà là cách sử dụng công nghệ để môi trường sống, môi trường làm việc tốt hơn. “Công nghệ chỉ là phương tiện để hỗ trợ chứ không phải là bước cuối cùng. Không phải xây dựng thành phố thông minh xong, “hoàn công” là kết thúc” ông Peter nói.

Dẫn chứng rằng Bình Dương hoàn toàn có cơ sở để xây dựng thành phố thông minh, ông Peter Portheine cho biết, xuất phát điểm của thành phố Eindhoven (Hà Lan) tệ hơn Bình Dương hiện tại. Nhưng với chiến lược đúng đắn, thành phố Eindhoven cũng chỉ mất khoảng 5 năm để trở thành một trong những thành phố thông minh nhất thế giới.

"Lúc đó, kinh tế chúng tôi xuống đáy. Thất nghiệp tràn lan, thu hút đầu tư rất thấp chứ không như Bình Dương bây giờ. Vì vậy, Bình Dương đặt mục tiêu 4 năm sau được công nhận thành phố thông minh là khả thi. Hy vọng sau 4 năm, Bình Dương sẽ đạt được hết các chỉ tiêu ICF và năm 2021 Bình Dương sẽ trở thành một trong 21 thành phố thông minh trên thế giới", ông Peter Portheine nói.

Theo ông Mai Hùng Dũng, "Khác với cách tiếp cận thông thường về thành phố thông minh chỉ tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề riêng lẻ như giao thông, chính phủ điện tử... Bình Dương có hướng đến tầm nhìn đột phá, đổi mới toàn diện, trong đó con người là trọng tâm. Đối với Bình Dương, thành phố thông minh có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo kết nối, trong đó tất cả các thành tố đều liên tục cải tiến và tối ưu hóa không ngừng. Chúng tôi không có điểm dừng trong con đường xây dựng thành phố thông minh".

Theo đó, Bình Dương ứng dụng mô hình được xem là chìa khóa thành công của thành phố Eindhoven, đó là mô hình "ba nhà" nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học. Hiện tại, Bình Dương đã hoàn thành bộ tài liệu theo cách tiếp cận của Eidhoven, gọi là "Bình Dương Navigator 2021". Đây là chương đột phá chiến lược kinh tế - xã hội của tỉnh với gần 50 hành động cụ thể liên quan đến phát triển 4 lĩnh vực: con người, công nghệ, doanh nghiệp, các yếu tố nền tảng.

Khẳng định sự chuẩn bị của tỉnh, ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Becamex IDC (doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) - cho biết Becamex đang tập trung đầu tư xây dựng một khu công nghiệp khoa học - công nghệ để phục vụ cho các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao. Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng tạo tiền đề xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, trong thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn trở thành tuyến đường thông minh, kết nối các khu công nghiệp của Bình Dương với các cảng biển và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát triển mạnh dịch vụ logistics.

Ông Carel Ritcher, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM khẳng định sẽ hỗ trợ Bình Dương thành thành phố thông minh và tin rằng “Bình Dương sẽ lọt vào danh sách các thành phố thông minh toàn cầu”, ông Carel Ritcher khẳng định.

Minh Lâm

Tin đọc nhiều