Bộ Kế hoạch và Đầu tư điểm danh các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả

08:32 | 21/09/2017

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phần lớn các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả là các dự án bất động sản, phát triển hạ tầng, nông nghiệp và ở các TĐKT, TCT lớn...

bo ke hoach va dau tu diem danh cac du an co dau hieu dau tu khong hieu qua
Ảnh minh họa

Báo cáo ban đầu về Đề án nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của DNNN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo báo cáo của 11 Bộ, cơ quan ngang Bộ, Đài Truyền hình Việt Nam, báo cáo của 39 địa phương, 02 tập đoàn kinh tế (TĐKT) và 09 tổng công ty (TCT): có 43 Dự án của các DN thuộc các Bộ, 21 Dự án thuộc các địa phương, 8 Dự án thuộc các TĐKT, TCT nhà nước với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng là các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.

Báo cáo cho biết, phần lớn các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả là các dự án bất động sản, phát triển hạ tầng, nông nghiệp và ở các TĐKT, TCT lớn. Trong lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy có 14 dự án có dấu hiệu không hiệu quả thuộc TCT Thành An, TCT Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), TCT Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), TCT Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương).

Lĩnh vực nông nghiệp có 33 dự án đang trong tình trạng tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, chủ yếu thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam, TCT Cà phê (Bộ NN&PTNT) và UBND TP. Hải Phòng.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam không có dự án nào có dấu hiệu không hiệu quả nhưng tập đoàn đang vận hành Dự án Phóng vệ tinh viễn thông VINASAT-2 được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư có tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 5.462 tỷ đồng, tính đến 2016 lỗ 1.209 tỷ đồng. Tổng công Giấy Việt Nam 8 dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân (người đại diện phần vốn nhà nước, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị của DN) trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án...

Làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề ra các giải pháp để giải quyết dứt điểm các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, nhằm lành mạnh hóa tài chính và cải thiện hiệu quả hoạt động của DN, góp phần hoàn thành việc sắp xếp, tái cơ cấu DN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi đề xuất hoặc triển khai thực hiện các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước phải gắn cụ thể với trách nhiệm của người đại diện vốn tại DNNN và Ban điều hành (Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị) để đảm bảo tính hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư.

Khi thực hiện đầu tư phải thực hiện công khai, minh bạch và đầu thầu rộng rãi để lựa chọn được tư vấn có chất lượng trong các khâu lập dự án, thẩm định dự án, triển khai thực hiện dự án, quản lý dự án....; Khi triển khai thực hiện dự án đầu tư phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại DN, đấu thầu... Chỉ đầu tư phù hợp với nguồn lực của DN, tập trung đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính, tránh phân tác nguồn lực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ sớm hình thành Cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại DN nhằm quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quyết định chủ trương đầu tư, thực hiện dự án dẫn tới sai phạm, thua lỗ, thất thoát, mất vốn Nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cho thoái vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp tại các dự án đầu tư bất động sản theo nguyên tắc thị trường và bảo đảm không thất thoát vốn đầu tư. Đối với nhóm dự án đầu tư thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng (cảng biển, khu công nghiệp…): cần nghiên cứu tìm kiếm nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để hình thành các DN dự án thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp không có nhà đầu tư quan tâm thì thực hiện quyết toán dự án và chuyển giao cho các đơn vị đủ năng lực thực hiện.

Đối với nhóm dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: Nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo hình thức liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp nhận, chuyển giao và cập nhật các bộ giống phù hợp với từng vùng sinh thái, cho năng suất cao so với giống hiện hành.

Xây dựng quy trình kỹ thuật đồng bộ và chuyên biệt cho từng vùng sinh thái đối với hoạt động đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với mục tiêu chi phí đầu tư phù hợp với tiềm năng năng suất. Nghiên cứu việc chuyển giao các dự án theo quy định hiện hành của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Lan Linh

Tin đọc nhiều