Bộ Tài chính công bố kết quả 67 nghìn cuộc thanh tra

11:47 | 14/10/2017

Tích cực tăng thanh tra, đẩy mạnh chống thất thu, Bộ Tài chính đã xây dựng đề án thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN đối với một số lĩnh vực trọng tâm, rủi ro cao về thuế là chuyển giá, tài nguyên khoáng sản, bất động sản, chuyển nhượng vốn, tài sản, DN có hoạt động liên kết, DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá. Những tháng tới sẽ tập trung lực lượng và siết chặt quản lý việc thu hồi nợ đọng thuế, đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế.

Công bố thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc cho VN Pharma
Thanh tra Chính phủ kết luận về các dự án BT, BOT tại TPHCM
Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng

Bộ Tài chính vừa tổ chức họp báo công bố kết quả thanh tra kiểm tra của quý III và 9 tháng đầu năm 2017 hôm 13/10/2017. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng thì nguy cơ gian lận, vi phạm càng cao. Tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính là một nhiệm vụ quan trọng và là một biện pháp hiệu quả góp phần tích cực hiệu quả vào việc tăng thu ngân sách, chống gian lận, chống lãng phí, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm nay.

bo tai chinh cong bo ket qua 67 nghin cuoc thanh tra
31.784 cuộc thanh tra thuế được tiến hành trong quý III/2017, thu hồi là 4.369 tỷ đồng tiền thuế, xử phạt 1.026 tỷ đồng

Ông Ngô Chí Tùng, Phó chánh văn phòng Bộ Tài chính cho biết, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 67.186 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, điều tra và bắt giữ 10.022 vụ buôn lậu. Qua thanh tra kiểm tra đã kiến nghị xử lý tài chính 13.608 tỷ đồng, thu về ngân sách Nhà nước (NSNN) 8.928 tỷ đồng.

Qua thanh tra, đã kiến nghị yêu cầu rà soát đôn đốc thu hồi nợ thuế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu và các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án... Kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

Bộ đã chú trọng phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng, qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận.

Riêng với ngành Thuế, ông Phạm Ngọc Lai – Quyền vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế đã tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao, các DN có khả năng có số thu điều tiết ngân sách Trung ương lớn, tập trung vào các DN có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá. Trong 9 tháng đã có 57.935 cuộc thanh tra, kiểm tra tại DN và kiểm tra 354.426 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 11.597 tỷ đồng. Số thuế đã nộp NSNN là 6.553 tỷ đồng.

Toàn hệ thống Hải quan đã thực hiện 95 cuộc thanh tra tại 95 đơn vị. Tổng số tiền kiến nghị truy thu là 31 tỷ 900 triệu đồng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 4 tỷ 588 triệu đồng. Số tiền đã thu nộp NSNN là 27 tỷ 387 triệu đồng. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Kiểm tra sau thông quan và các Cục Hải quan địa phương thực hiện tốt công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) tại các cửa khẩu. 9 tháng đã thực hiện 6.272 cuộc KTSTQ, quyết định truy thu 1.531 tỷ 845 triệu đồng. Đã xử phạt hành chính phạt chậm nộp 238 tỷ 642 triệu đồng, thực thu vào NSNN là 756 tỷ 200 triệu đồng. Đã có hơn 10.000 vụ buôn lậu bị bắt giữ với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 410 tỷ triệu đồng, đã khởi tố 30 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 48 vụ.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiến hành 50 cuộc thanh tra kiểm tra và phát hiện vi phạm tại 7 tổ chức, 1 cá nhân; ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.675 triệu đồng. Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (QLGSBH) cũng đã thực hiện 12 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 12 đơn vị kinh doanh bảo hiểm, đã kiến nghị nộp bổ sung số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 7 tỷ 739 triệu đồng, điều chỉnh doanh thu, chi phí, hạch toán tăng thu nhập khi tính thuế TNDN số tiền 33 tỷ đồng, kiến nghị DN thực hiện trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm chưa đúng quy định pháp luật số tiền 56 tỷ đồng.

Ông Tùng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 đã được phê duyệt, bên cạnh đó sẽ tăng cường đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Bộ Tài chính cũng xây dựng đề án thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN đối với một số lĩnh vực trọng tâm, rủi ro cao về thuế là chuyển giá, tài nguyên khoáng sản, bất động sản, chuyển nhượng vốn, tài sản, DN có hoạt động liên kết, DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá...

Bộ cũng tập trung thực hiện đề án chống thất thu lĩnh vực ngoài quốc doanh, hộ khoán theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị của Thủ tướng. Bên cạnh đó, sẽ đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản phải thu theo biên bản kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào NSNN. Những tháng tới Bộ sẽ tập trung lực lượng và siết chặt quản lý việc thu hồi nợ đọng thuế, đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/7/2017 là 74.937 tỷ đồng. Hàng tháng các cục thuế vẫn công khai danh sách các DN nợ thuế, thông báo danh sách đối tượng nợ thuế phải thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế, yêu cầu các cục thuế tổ chức áp dụng biện pháp đôn đốc và thực hiện cưỡng chế nợ thuế thông qua phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng hay thu hồi giấy đăng ký kinh doanh.

Linh Ly

Tin đọc nhiều