Cá tra chinh phục thị trường nội địa

14:00 | 11/10/2017

Theo các chuyên gia, lợi thế lớn nhất khi chinh phục thị trường nội địa đó là cá tra đã là sản phẩm chủ lực để XK. 

Chính thức khai mạc Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam
Giành lại thị trường xuất khẩu chính

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong hơn 20 năm qua, ngành thủy sản đã có bước phát triển nhanh, duy trì được nhịp độ tăng trưởng ổn định cả về số lượng và chất lượng, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.

ca tra chinh phuc thi truong noi dia
Đông đảo người tiêu dùng Hà Nội đến tham quan, mua hàng tại Hội chợ Cá tra

Các sản phẩm thuỷ sản chủ lực là tôm nước lợ, cá tra, cá ngừ đại dương, nhuyễn thể đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với kim ngạch xuất khẩu (XK) trên 7 tỷ USD, tôm nước lợ và cá tra là hai đối tượng nuôi và XK chủ lực, chiếm tỷ trọng hơn 67% tổng giá trị kim ngạch XK thuỷ sản năm 2016.

Cá tra là sản phẩm chủ lực quốc gia có nhiều lợi thế phát triển của ĐBSCL khi chỉ với 5.000ha có thể đạt trên 1,2 triệu tấn với kim ngạch XK gần 2 tỷ USD. Nếu có thị trường, có thể mở rộng trên 8.000ha và sản lượng có thể đạt trên 2 triệu tấn và hơn thế nữa.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hơn 20 năm qua, mặc dù sản phẩm cá tra của Việt Nam bị bôi nhọ và đối xử không công bằng ở một số thị trường lớn nhưng với chất lượng và uy tín của mình, cá tra Việt Nam vẫn trụ vững và càng tỏ ra có sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường các tỉnh phía Bắc ít được biết và tiếp cận với sản phẩm cá tra.

Để quảng bá hình ảnh, thương hiệu cá tra đến người tiêu dùng khu vực phía Bắc, mới đây Bộ NN&PTNT đã tổ chức “Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam”. Các DN tham gia hội chợ đã đem đến khoảng 40 sản phẩm được chế biến từ cá tra như: dầu ăn, cá viên, chả cá….

Là DN lần đầu tiên đưa sản phẩm cá tra ra thị trường miền Bắc, ông Trần Văn Hài – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến (Đồng Tháp) cho hay, trong thời gian trước DN chủ yếu là là XK cá tra phi lê sang các nước châu Âu. Thị trường nội địa nói riêng và miền Bắc nói chung là một thị trường đầy tiềm năng. Các DN cá tra của Việt Nam rất quan tâm và muốn làm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua do thông tin truyền thông chưa có nhiều, công tác xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm cá tra ra thị trường miền Bắc nhiều năm qua chưa làm. Trong khi đó, do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn ưa chuộng hàng thủy sản tươi sống. Do đó, việc đẩy mạnh truyền thông thông qua các hội chợ là hết sức quan trọng. Qua đó, các DN có thể kết nối, tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm cá tra. Nếu mở được thị trường nội địa là hướng đi tốt cho DN cá tra của Việt Nam.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, dư địa tăng trưởng thị trường nội địa cho cá tra Việt Nam còn rất lớn. Nguyên nhân do, xuất phát điểm cho việc tiêu thụ cá tra còn thấp. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa thực sự quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến với người dân. Do đó, người dân chưa có thông tin nhiều về sản phẩm, tạo sức hút cho sản phẩm.

Cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá

Để phát triển được thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa, nhiều ý kiến cho rằng, việc đẩy mạnh truyền thông cho người tiêu dùng Việt Nam để thay đổi thị hiếu tiêu dùng là vấn đề rất quan trọng. Điều này sẽ có ý nghĩa trong kích thích tiêu dùng, cũng như tạo điều kiện về kinh doanh, qua đó thúc đẩy sản xuất của các DN, cơ sở chế biến.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục có những điều chỉnh về mặt quản lý Nhà nước, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, các bộ, ban ngành cũng cần nghiên cứu các giải pháp nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Hỗ trợ đào tạo lao động, cũng như các giải pháp xúc tiến thương mại để sản phẩm thủy sản đến với mọi nhà.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Thành viên Liên minh Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị, Câu lạc bộ Cá tra VASEP cần có chương trình truyền thông cho người tiêu dùng Việt Nam nhằm thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng cơ sở chế biến cho thị trường trong nước cho các phân khúc thị trường: bình dân, trung lưu, cao cấp.

Đồng thời, liên kết xây dựng hệ thống phân phối nội địa. Về chính sách, việc thành lập quỹ phát triển thị trường cá tra thuộc VASEP là hết sức cần thiết, hỗ trợ phần kinh phí thị trường cho nội địa, hỗ trợ lãi suất cho đầu tư chế biến và xây dựng hệ thống logistics.

Về phía tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết, cá tra là mặt hàng chủ lực của Đồng Tháp, sắp tới tỉnh sẽ đồng hành với DN, chỉ đạo các sở ngành liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa. “Con cá tra có lợi thế rất lớn, bước vào thị trường nội địa là đương nhiên được đi vào các siêu thị vì đã đạt các chuẩn quốc tế, nó không mất thời gian như cá sản phẩm khác”, ông Nguyễn Thanh Hùng nói.

Còn theo ông Trần Văn Hài, để thị trường chấp nhận sản phẩm này cần phải có thời gian, kế hoạch và lộ trình. Cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Để chinh phục thị trường nội địa, trong thời gian tới DN sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước.

Theo các chuyên gia, lợi thế lớn nhất khi chinh phục thị trường nội địa đó là cá tra đã là sản phẩm chủ lực để XK. Vì vậy, các chỉ tiêu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đều đã được đảm bảo. Với sự nỗ lực của các DN và sự đồng hành của Chính phủ và các địa phương, trong thời gian tới, cá tra sẽ chiếm lĩnh hơn nữa thị trường trong nước.

Bài và ảnh Trường Sơn

Tin đọc nhiều