Các DN ngành công nghệ thực phẩm: Chậm là mất thị trường

09:49 | 24/04/2015

Cho dù hiện nay, cả nước có trên 1.500 DN chế biến thực phẩm, song khả năng liên kết từ khâu sản xuất, thu mua nguyên liệu đến phát triển vùng nguyên liệu và chế biến còn lỏng lẻo. 

cac dn nganh cong nghe thuc pham cham la mat thi truong
Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, ngành chế biến thực phẩm chiếm một tỷ lệ đáng kể trong sản lượng đầu ra của ngành công nghiệp nói chung và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nói riêng (khoảng 15%).

Dự kiến từ nay đến năm 2016, sức tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam sẽ tăng 5,1%/năm, ước đạt khoảng 29,5 tỷ USD. Điều này cho thấy, đây là một ngành công nghiệp đầy tiềm năng và Bộ Công Thương đã xếp ngành công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành có lợi thế cạnh tranh và có định hướng, chiến lược phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Bà Lindy Wee – Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ triển lãm Singapore nhận định, từ năm 2015, Việt Nam mở rộng cửa cho các chuỗi cửa hàng bán lẻ nước ngoài, đồng thời với Hiệp định Giao thương nội khối ASEAN, Việt Nam cũng đang giảm thuế suất nhập khẩu (theo lộ trình) hàng hóa từ các nước trong khu vực về 0% cho hơn 10.000 dòng thuế.

Đây là sức hút để DN ngành chế biến thực phẩm nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm đến thị trường Việt Nam. Hàng năm Công ty Dịch vụ triển lãm Singapore đều chọn Việt Nam là nơi tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm và thiết bị máy móc. Hội chợ đã thu hút một lượng lớn DN nước ngoài đến tham gia giới thiệu sản phẩm, tìm nhà phân phối bán lẻ, tìm hiểu thị trường.

Và số lượng này thường nhiều gấp 3 lần DN trong nước. Cụ thể, hội chợ năm 2015 này (diễn ra từ ngày 21 – 23/4/2015, tại TP. Hồ Chí Minh) đã có 470 đơn vị nước ngoài, đến từ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia. Có những nước lần đầu tiên tham gia với quy mô gian hàng quốc gia, như Cộng hòa Liên bang Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Úc…

Trong khi đó, số DN Việt Nam tham gia chỉ khoảng 107 đơn vị. Bà Nguyễn Thị Huệ – Giám đốc Công ty TNHH Kim Bằng (thương hiệu nông sản Golden Garden) cho biết, gần 10 năm qua, sản phẩm rau củ quả, thịt bò, cừu, heo (nhập khẩu) của công ty chuyên cung cấp cho hệ thống nhà hàng khách sạn và một số ít vào sân bay tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mặc dù trên 80% sản phẩm của công ty là sản xuất, chế biến tại Việt Nam nhưng cũng không có DN nội là đối thủ cạnh tranh.

Các mặt hàng nông sản Golden Garden trồng theo công nghệ nhà lưới của Hoa Kỳ (nông trại tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đáp ứng được mọi yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế. Và Kim Bằng là một số hiếm hoi DN sản xuất thực phẩm tham gia hội chợ thực phẩm quốc tế năm nay.

Một thế mạnh khác khiến thị trường Việt Nam hấp dẫn những DN ngoại là trong 5 năm trở lại đây, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số và chất lượng. Số lượng khách sạn đang tăng trưởng nhanh chóng ở các tỉnh, thành lớn của Việt Nam như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Quốc…

Đến nay, cả nước có gần 17.000 cơ sở lưu trú với gần 350.000 phòng, trong đó có gần 700 khách sạn tiêu chuẩn từ 4 – 5 sao. Nguồn lực này đã góp phần không nhỏ thu hút DN ngành thực phẩm chế biến nước ngoài đến Việt Nam ngày càng đông. Theo Phòng Kinh tế - Thương mại Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2015, những nhà sản xuất chế biến thực phẩm hàng đầu Tây Ban Nha bắt đầu mang sản phẩm đến Việt Nam để tìm kiếm thị trường và đối tác. Họ nhìn thấy tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam bất chấp vị trí địa lý hai nước khá xa, và tập quán ẩm thực cũng khác nhau.

Ông Trần Việt Dũng – Phó giám đốc Công ty tổ chức Triển lãm VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết thêm, sự có mặt ngày càng nhiều các hãng hàng không quốc tế tại Việt Nam cũng đang là sự quan tâm của nhiều nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, với kỳ vọng cung cấp suất ăn có chất lượng trên máy bay.

Qua nhiều năm tổ chức hội chợ thực phẩm quốc tế tại Việt Nam, ông Dũng khẳng định, từ năm 2015 Việt Nam sẽ là thị trường được Các DN nước ngoài săn đón nhiều nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm. Các DN ngoại có thế mạnh về công nghệ sản xuất hiện đại, nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng được yêu cầu về sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Với lợi thế ấy, DN thực phẩm nước ngoài sẽ là lựa chọn hàng đầu của các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng. Điều này đồng nghĩa với áp lực sẽ gia tăng lên DN ngành chế biến thực phẩm trong nước. Cho dù hiện nay, cả nước có trên 1.500 DN chế biến thực phẩm, song khả năng liên kết từ khâu sản xuất, thu mua nguyên liệu đến phát triển vùng nguyên liệu và chế biến còn lỏng lẻo.

Một số công nghệ sản xuất vẫn còn lạc hậu trong khi việc kiểm soát an toàn thực phẩm chưa thật sự ổn định… làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của sản phẩm nội.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều