Các DN ngành mía đường: Vẫn còn vị đắng!

09:11 | 02/04/2015

Chênh lệch giữa giá sỉ và giá lẻ có khi lên đến 50% – 60%, khoảng cách này được các DN mía đường “đá” trách nhiệm sang các nhà thương mại trung gian và bán lẻ.

Trên thị trường bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, mặt hàng đường các loại (đường tinh luyện, đường phèn, đường cát vàng…) có giá từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tùy từng điểm bán hàng mà giá đường chênh lệch nhau (theo hướng cao hơn) từ 1.500 đồng – 2.000 đồng/kg, ở khoảng 17.000 đồng – 21.500 đồng/kg.

Mức giá tiêu thụ này hiện nay là cao, nếu so với giá đường đang tiêu thụ nội địa (bán lẻ) tại một số nước trong khu vực. Điều này đặt ra câu hỏi, có phải người tiêu dùng trong nước phải chịu ăn đường với giá cao vô lý trong khi đường tồn kho hàng năm lên đến vài trăm tấn?

cac dn nganh mia duong van con vi dang
Mặc dù có rất nhiều nhà máy đường trên cả nước, nhưng người dân vẫn phải ăn đường giá cao

Ông Nguyễn Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, nhiều ý kiến cho rằng giá đường đang tiêu thụ trên thị trường nội địa cao là do DN sản xuất, các nhà máy đường bán giá cao. Thực tế, giá đường tiêu thụ nội địa của Việt Nam hiện nay chỉ cao hơn một số ít nước như Brazil, Ấn Độ. Nhất là mấy năm gần đây nguồn cung đường trong nước tăng cao, thì giá đường càng giảm dần xuống.

Có thể làm phép so sánh với một số nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, giá đường tinh luyện bán sỉ 716 USD/tấn, bán lẻ 1,11 – 1,16 USD/kg. Philippines giá bán sỉ 956 USD/tấn, giá lẻ 1,16 USD/kg. Tại Việt Nam, đường trắng bán giá sỉ từ nhà máy đường thường là 11.400 – 12.400 đồng/kg (tương đương 530 – 580 USD/tấn); đường luyện giá sỉ từ nhà máy đường là 13.800 đồng – 14.700 đồng/kg (tương đương 640 – 690 USD/tấn).

Từ đây cho thấy, giá tiêu thụ nội địa đường của Việt Nam bắt đầu từ giá bán sỉ cấp 1 (từ các nhà máy đường) là không cao. Nếu tăng cao, có chăng là giá bán lẻ ở thị trường tiêu dùng. Có thể thấy, chênh lệch giữa giá sỉ và giá lẻ có khi lên đến 50% – 60%. Và việc chênh lệch quá cao giữa giá sỉ và giá lẻ thuộc về các nhà thương mại trung gian và bán lẻ.

Đây là phạm vi của quản lý thị trường thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương quản lý. Để người tiêu dùng được ăn đường giá rẻ, thì quan trọng nhất là Bộ Công Thương nên có biện pháp để quản lý chặt để triệt nạn đầu cơ làm giá (nếu có), và không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào có liên quan.

Về phía DN ngành mía đường, theo ông Nguyễn Thành Long – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ, thì hiện nay, Việt Nam có tất cả khoảng 41 nhà máy đường. Phần lớn các nhà máy này đã mở rộng và nâng cấp cả công nghệ và thiết bị. Khả năng sản xuất hiện nay của các nhà máy đường đạt 2 triệu tấn đường/vụ, trong đó đường luyện chiếm 50% với 2 loại: đường luyện hảo hạng RE và đường luyện tiêu chuẩn RS.

Về chất lượng đường, có 2 loại sản phẩm chính là đường trắng đồn điền và đường luyện với tiêu chuẩn đạt bằng và có thể cao hơn tiêu chuẩn quốc tế. Việc thu mua mía của nông dân cũng được nhà máy đường xử lý kịp thời và đầy đủ cho nông dân.

Các DN vẫn thu mua mía theo giá khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (vụ 2013 – 2014), và ổn định suốt cả vụ sản xuất, trong khi giá đường thương phẩm giảm dần từ đầu vụ đến cuối vụ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Việc để giá đường tiêu thụ nội địa có thể hạ thấp ở mức hợp lý, theo ông Nguyễn Hải, cần có nhiều yếu tố như, nâng cao năng suất, chất lượng mía, diện tích đất phù hợp... Bên cạnh đó, là tiến hành sáp nhập, di dời các nhà máy nhỏ có vùng nguyên liệu mía bất lợi để tái đầu tư.

Song song với đó, còn là các chính sách cần có để hỗ trợ cho người trồng mía cung cấp cho nhà máy như các quốc gia có ngành mía đường phát triển. Hiện nay, vấn đề xóa bảo hộ ngành mía đường đang được đặt ra, với quan điểm, xóa bảo hộ để người nông dân và DN tăng năng lực cạnh tranh.

Cho phép nhập khẩu đường để giảm giá tiêu thụ đường, sẽ tạo áp lực khiến ngành mía đường trong nước phải chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng sức cạnh tranh…

Ông Nguyễn Hải khẳng định, về vấn đề bảo hộ, chúng ta phải nhận thức rõ rằng, trong tất cả các Hiệp định thương mại tự do, thì vấn đề đàm phán “nóng” nhất vẫn là bảo hộ. Việt Nam là nước có ngành mía đường còn non trẻ so với nhiều quốc gia khác. Do đó, bảo hộ theo lộ trình mà Việt Nam đã cam kết là điều đương nhiên và cần thiết.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều