Các DN Việt Nam: Chưa quan tâm sử dụng công cụ pháp lý

14:58 | 18/05/2015

Khảo sát mới đây của VCCI cho thấy, DN Việt Nam rất ít khi sử dụng đến các công cụ pháp lý để giải quyết các tranh chấp thương mại. Cụ thể, chỉ có 6,4% số DN cho biết có nhờ đến tòa án để giải quyết tranh chấp, trong khi 93,6% còn lại khẳng định không nhờ đến “kênh” này. 

cac dn viet nam chua quan tam su dung cong cu phap ly
LS. Phạm Ngọc Hưng

Phóng viên Thời báo Ngân hàng phỏng vấn LS. Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ nguyên nhân.

Ông có cho rằng, phần lớn DN không nhờ đến tòa án để giải quyết tranh chấp do không đánh giá hết vai trò của công cụ pháp lý dẫn đến không tin tưởng, hay do quy trình tố tụng, cũng như các quy định bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho DN còn lỏng lẻo?

Thực tế cho thấy, hầu hết DN Việt Nam, nhất là các DNNVV đều chưa quen sử dụng các công cụ pháp lý và ít nhờ đến tòa án khi có tranh chấp xảy ra. Vấn đề này xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Trước tiên, rất ít DN có bộ phận chuyên trách về pháp lý hay phòng pháp chế hoạt động đúng chức năng, hoặc đơn giản nhất là có mối liên hệ, hợp tác với các văn phòng luật sư, chuyên gia tư vấn luật để khi cần có sẵn công cụ tư vấn hữu hiệu trong tay, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Hiện nay, nhiều DN trong hợp tác làm ăn, ký kết hợp đồng kinh tế, thương mại, vẫn chủ yếu dựa vào niềm tin giữa các bạn hàng, đối tác với nhau là chính. Vì vậy, khi bắt tay làm ăn, ký kết hợp đồng thường rất chủ quan, điều khoản sơ sài, tượng trưng, thậm chí một số DN còn không tự nghiên cứu, soạn thảo hợp đồng phù hợp với đặc thù của DN mình mà “copy” theo mẫu sẵn trên mạng cho nhanh. Nên khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp sẽ không có cơ sở pháp lý nào có thể bảo vệ được và phần thua thiệt chắc chắn sẽ rơi về phía những DN này.

Nguyên nhân thứ hai không thể phủ nhận là tâm lý ngại đưa nhau ra tòa, “vô phúc đáo tụng đình”, nên phần lớn các DN thường lựa chọn giải pháp hòa giải, thậm chí chấp nhận thua thiệt trong khả năng có thể để cho xong. Bước đường cùng mới nghĩ đến việc đưa nhau ra tòa bởi cho rằng đi thưa kiện “chờ được vạ, má đã sưng”, do hiện nay từ khi tòa thụ lý hồ sơ, bổ sung chứng cứ đầy đủ, xử sơ thẩm, phúc thẩm, thông thường cũng kéo dài đến 1- 2 năm đối với những vụ án phức tạp, thậm chí còn lâu hơn.

Và giả sử đã thắng kiện thì gian nan nhất vẫn là khâu thi hành án bởi bên thua cuộc chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ. Chính vì lý do trên mà các DN còn chưa coi công cụ pháp lý là giải pháp bảo vệ tối ưu cho quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng.

Như vậy, theo ông việc theo kiện chỉ thêm tốn thời gian và công sức của DN?

Mặc dù quan điểm chung là, nếu không thể tự hòa giải, dàn xếp ổn thỏa giữa hai bên thì mới phải đưa nhau ra tòa. Nhưng đối với những trường hợp DN nắm chắc lý lẽ, phần đúng trong tay thì đôi khi đi kiện đem lại một số lợi ích nhất định.

Trước tiên DN thể hiện được tinh thần thượng tôn, coi trọng và tin tưởng pháp luật và cho thấy đã làm hết khả năng có thể dù kết quả đó không như mong muốn. Khi tiến hành khởi kiện, nhất là đối với DN cổ phần, công ty đại chúng, người đứng đầu sẽ phải giải thích với các cổ đông tại sao lại phải kiện, hay kiện sẽ đem lại lợi ích gì?

Thực tế đã có nhiều DN khởi kiện ngay cả đối với cơ quan quản lý chức năng và đã tránh được thiệt hại cho DN hàng trăm tỷ đồng như trường hợp Maseco, hay một số DN sau khi mạnh dạn đứng ra khởi kiện đã PR (quảng bá) cho hình ảnh, thương hiệu của DN rất nhiều…

Hơn nữa trong bối cảnh nhiều quy định pháp luật như Luật Kinh doanh, Luật Thương mại, Luật Thuế, Hải quan, Luật Tố tụng… đang có nhiều sửa đổi theo chiều hướng tích cực, thông thoáng phục vụ sát sườn hơn đối với quyền lợi của DN, thì các DN cũng cần phải tự mình nâng cao hiểu biết, kiến thức để nắm bắt cơ hội, bảo vệ quyền lợi cho chính DN mình.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các DN Việt cần chuẩn bị gì để có thể sử dụng công cụ pháp lý một cách hiệu quả hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh, ký kết làm ăn, giao thương cũng như hạn chế thấp nhất thua thiệt khi xảy ra tranh chấp?

Một trong những vấn đề trở ngại phải kể đến đối với không ít DN khi muốn sử dụng đến công cụ pháp lý, tòa án để bảo vệ quyền lợi, chính là tâm lý không hiểu rõ luật pháp cũng như ngại tốn kém chi phí tư vấn luật pháp, theo kiện, hầu tòa. Như thế thì trước tiên, DN cần phải dẹp bỏ suy nghĩ này và coi việc trang bị, hiểu biết, nắm trong tay công cụ pháp lý thông qua bộ phận pháp chế của DN hoặc thuê chuyên gia tư vấn, văn phòng luật sư là vấn đề hoàn toàn cần thiết, hợp lý và coi đó là một chi phí giá thành phải hạch toán của DN.

Nếu làm được điều này, thì khi đặt bút ký kết hợp đồng, làm ăn, giao thương, DN sẽ hạn chế được tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Như vậy, dù phải bỏ ra chi phí trước mắt, nhưng lại có lợi ích về lâu dài, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Những vấn đề tranh chấp, có cả yếu tố nước ngoài là không tránh khỏi nên bản thân mỗi DN phải tự trang bị trước cho mình về cả năng lực quản trị kinh doanh, tài chính, cũng như sự hiểu biết, kiến thức pháp lý.

Xin cảm ơn ông!

Tuyết Anh

Tin đọc nhiều