Các doanh nghiệp Đức tăng đầu tư tại Việt Nam

12:00 | 27/03/2019

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, CHLB Đức có 70 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 112,9 triệu USD. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hà Nội với Đức hiện đạt khoảng 900 triệu USD/năm.

Vừa qua, giai đoạn I Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống với tổng mức đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng đã khánh thành và đưa vào hoạt động với công suất 150.000 m3/ngày đêm. Hiện, dự án đang tiếp tục triển khai giai đoạn II, nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm vào tháng 10/2019.

Dự án cung cấp nước sạch sử dụng công nghệ hiện đại của Đức với tiêu chuẩn quốc tế "uống ngay tại vòi" do Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống (Aqua One) hợp tác với CHLB Đức xây dựng có quy mô lớn nhất miền Bắc, khi đi vào vận hành sẽ đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch, dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao trên địa bàn 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực phía Đông Bắc và phía Nam TP. Hà Nội, các khu đô thị, khu công nghiệp và một số vùng phụ cận như tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên…

cac doanh nghiep duc tang dau tu tai viet nam
Đưa vào hoạt động Nhà máy nước mặt sông Đuống với tiêu chuẩn quốc tế

Lễ khởi công giai đoạn II công trình đã khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống nước sạch. Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ nét cho những cam kết, nỗ lực của thành phố trong việc thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án trên địa bàn hà Nội. Đây cũng là một trong nhiều hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đức thời gian gần đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ.

Không chỉ thế, mà từ năm 2015, một dự án đổi mới đào tạo nghề đã triển khai chương trình đào tạo nhân lực cho ngành nước tại Việt Nam, trên cơ sở hợp tác trực tiếp giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp. Quá trình này dựa trên nhu cầu sử dụng nhân lực tại các doanh nghiệp ngành nước, tập trung vào việc xử lý nước thải, xây dựng các tiêu chuẩn về xử lý nước tại các làng nghề. Tại đây, các học viên có cơ hội vừa học vừa làm khiến doanh nghiệp đạt được mục tiêu có những nhân sự phù hợp với công việc của mình, gắn liền với những công việc thực tế tại doanh nghiệp, TS. Juergen Hartwig - Giám đốc Dự án đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (TVET) nhận định.

Những học viên được đào tạo này đạt trình độ năng lực, kỹ thuật tương đương với những công nhân kỹ thuật trong ngành nước tại Đức. Hiện, dự án đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam đã được nhân rộng mô hình tại Hà Nội và khu vực miền Trung, được Chính phủ Đức hỗ trợ từ nguồn vốn ODA để xây dựng các trung tâm đào tạo nghề xuất sắc. Sự kiện ngành nước đang tạo ra môi trường cởi mở để các bên trong ngành xử lý, cung cấp nước Đức và Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, trao đổi đi đến những hợp tác cụ thể, qua đó củng cố quan hệ giữa hai nước đi vào hiệu quả, thực chất.

Cùng với đó, Hà Nội cũng đang tập trung xây dựng nền tảng thành phố thông minh nhằm giải quyết các vấn đề nóng trong quản lý đô thị. Theo đó, Smart City được quy hoạch xây dựng với một hạ tầng hiện đại, đồng bộ định hướng ứng dụng "thông minh", ngoài quan trắc nước, còn có các mảng như giao thông, thoát nước, môi trường xử lý rác thải, quan trắc không khí, giáo dục, y tế... mở đường cho sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Đức vào Hà Nội.

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, CHLB Đức có 70 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 112,9 triệu USD. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hà Nội với Đức hiện đạt khoảng 900 triệu USD/năm.

Ông Peter Altmaier - Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức cho biết, CHLB Đức sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hạ tầng du lịch, đào tạo nghề, môi trường... cũng như thúc đẩy các dự án như “Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP. Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương”…

Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với ông Peter Altmaier - Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức, hai bên cùng thống nhất sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước được trao đổi, tiếp xúc nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và hợp tác đầu tư song phương. Dịp này, hơn 20 doanh nghiệp tiêu biểu của Đức có cơ hội giới thiệu một số lĩnh vực hợp tác trong tương lai với Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng Peter Altmaier, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức cùng ký tuyên bố chung về chương trình hợp tác đào tạo doanh nghiệp giai đoạn 2019 – 2021, chương trình đã được hai bên phối hợp triển khai từ năm 2008 đến nay với 565 học viên Việt Nam đã được đào tạo ở Đức và chính là sợi dây kết nối, xây dựng nên những mối quan hệ kinh doanh bền vững với các doanh nghiệp Đức.

Đoàn Trần

Tin đọc nhiều