Cải thiện môi trường kinh doanh – một câu hỏi lớn

09:14 | 24/04/2015

Làm thế nào để giám sát được việc thực hiện cải cách, thực thi đúng pháp luật thôi vẫn là câu hỏi lớn với cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ đã đặt mục tiêu năm 2015, các chỉ tiêu về MTKD của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6.

Rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm, thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm; tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%; xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định.

Tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6, bảo đảm Hải quan Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn hải quan hiện đại; thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.

cai thien moi truong kinh doanh mot cau hoi lon
Ảnh minh họa

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, so với năm ngoái, năm 2015, chúng ta đã thực hiện quyết liệt hơn ở chỗ, không chỉ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao mà các bộ trưởng cũng rất chủ động trong việc này. Trước hết là họ đã nhận thức được tầm quan trọng của MTKD, thứ hai là họ chủ động triển khai chỉ đạo các bộ phận, các đơn vị thực hiện đúng những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra.

Tuy nhiên, với tiến trình cải cách như hiện nay, một số ý kiến cho rằng, kỳ vọng năm 2015, MTKD Việt Nam có sánh kịp các nước khu vực là rất khó.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, đánh giá các chỉ tiêu như: khởi sự kinh doanh thì chúng ta hơn Asean 4, chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư chúng ta hơn Asean 6 một chút, nhưng thấp hơn Asean 4 (Asean 4 được 6,5 điểm thì chúng ta được 6,2 điểm). Nhiều chỉ tiêu chúng ta đã bằng Asean 6. Tuy nhiên, những chỉ tiêu như thông quan qua biên giới là chỉ tiêu rất quan trọng thì chúng ta kém họ. Cho nên nhìn tổng thể chúng ta có thể đạt được Asean 6, nhưng nhìn vào chỉ tiêu cụ thể quan trọng chúng ta đang kém họ.

Một số ý kiến lại tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, trong năm qua, Việt Nam đã có sự thay đổi rất quan trọng về các quy định của pháp luật liên quan lĩnh vực kinh doanh như Luật Đầu tư và Luật DN (sửa đổi). Điều này sẽ góp phần rất quan trọng cải thiện MTKD cho Việt Nam.

Thế nhưng nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi chúng ta lại tiếp tục điệp khúc luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư khiến cho các quy định của luật khó đi vào cuộc sống. Và điều này cản trở quá trình cải cách của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Cung thẳng thắn thừa nhận những lo ngại này là có bằng chứng lịch sử khi cho rằng thông tư mới là văn bản có hiệu lực nhất trong triển khai pháp luật ở nước ta. Tuy nhiên, có 2 Luật Đầu tư và DN sửa đổi hiện nay phần lớn áp dụng trực tiếp. Nghị định chỉ hướng dẫn những điều luật ghi rằng Chính phủ hướng dẫn chi tiết quy định này.

Ông cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi thói quen trong việc thực thi luật pháp. Người dân, DN cứ áp dụng luật một cách trực tiếp, chỉ áp dụng nghị định ở những điều khoản nào mà trong đó luật giao trực tiếp Chính phủ hướng dẫn mà thôi. Và tương tự như vậy với thông tư, họ có quyền áp dụng trực tiếp thông tư khi nghị định giao trực tiếp các bộ hướng dẫn.

Tinh thần của luật là vậy, tuy nhiên việc thay đổi văn hóa, cách thức áp dụng luật có được nhanh chóng, kịp thời để góp phần cải cách MTKD hay không lại tuỳ thuộc vào việc triển khai thực hiện. Đấy lại chính là yếu tố chủ quan của con người, đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật. Làm thế nào để giám sát được việc thực hiện cải cách, thực thi đúng pháp luật thôi vẫn là câu hỏi lớn với cải thiện MTKD ở Việt Nam.

Trần Hương

Tin đọc nhiều