Cần đầu tư bài bản cho thương hiệu gạo

09:01 | 24/12/2018

Gạo Việt xuất khẩu vẫn chủ yếu đóng nhãn hiệu bao bì theo nhu cầu nhà nhập khẩu

Tuần qua, Festival lúa gạo lần thứ 3 và Lễ công bố Logo thương hiệu gạo Việt Nam đã được Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại tỉnh Long An. Tuy nhiên, ngay trong lúc các câu chuyện về xây dựng thương hiệu gạo quốc gia được bàn luận sôi nổi thì hàng loạt những thách thức trong thực tiễn sản xuất – kinh doanh lúa gạo vẫn khiến các DN xuất khẩu và người dân trồng lúa cảm thấy lo ngại.

can dau tu bai ban cho thuong hieu gao
Gạo Việt xuất khẩu vẫn chủ yếu đóng nhãn hiệu bao bì theo nhu cầu nhà nhập khẩu

Giá tốt nhưng chưa thể vui

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/12/2018 kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 2,94 tỷ USD. Với đà tăng trưởng mạnh về giá xuất khẩu và sự gia tăng của số lượng các hợp đồng ký được trong quý IV, ngành nông nghiệp dự báo, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2018 sẽ cán đích 3,15 tỷ USD (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, việc thành tích xuất khẩu gạo quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến nhiều DN đang lo ngại Việt Nam rơi vào “bẫy giá cao” và có khả năng sẽ xảy ra những diễn biến khó lường trong năm tới.

Ông Nguyễn Trung Chánh - lãnh đạo Tập đoàn Tân Long cho rằng, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam trong năm 2018 đạt tới 504 USD/tấn. Tuy nhiên, để duy trì được mức giá này, các DN Việt phải phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Trong vòng 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các loại gạo Jasmine và gạo thơm sang Trung Quốc chiếm tới 24% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước. Thị trường này cũng mua tới 82% tổng lượng gạo nếp xuất khẩu. Trong khi đó tỷ trọng gạo nếp, gạo thơm, gạo Jasmine trong tổng lượng gạo xuất khẩu chiếm khoảng tới 44%. “Vì vậy có thể nói gạo Việt đang mắc kẹt ở khung giá cao. Chỉ cần phía thị trường Trung Quốc gặp trục trặc là giá cả và kim ngạch xuất khẩu dễ dàng biến động”, ông Chánh nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, giá xuất khẩu cao trong ngắn hạn là điều tốt, nhưng các DN không mừng khi bán được gạo với giá cao vì thị trường Trung Quốc biến động khá thất thường. Thực tế, từ tháng 8 vừa qua, việc các DN nhập khẩu Trung Quốc đưa ra các hàng rào kỹ thuật và các yêu cầu ngặt nghèo về bao bì, kiểm dịch thì gạo Việt đã giảm cả về số lượng và giá bán.

Trong khi đó, do không có thương hiệu riêng nên gạo Việt Nam bán ở thị trường nào thì các DN tự ý gắn nhãn mác, bao bì của thị trường đó theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Một số đối tác nhập khẩu sẵn sàng trả giá cao hơn để mua gạo Việt, nhưng lại không cho DN xuất khẩu in tên trên bao bì, hoặc chỉ cho phép in chữ nhỏ ở góc “nhà sản xuất”. Như thế, gạo Việt Nam dù được bán ở nhiều thị trường, nhưng vẫn ít người biết đến thương hiệu gạo Việt và giá trị, uy tín của các DN xuất khẩu gạo lớn cũng không được cộng thêm vào giá bán, gây thiệt thòi lớn cho DN Việt.

Thương hiệu quan trọng hơn thị trường

Theo GS.TS. Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trong bối cảnh hội nhập, giá trị về thương hiệu mới là vũ khí chiến lược để cạnh tranh trên các thị trường quốc tế. Thực tế cho thấy, giá bán gạo trong nước thời gian qua đạt mức 15.000 đồng/kg mà giá xuất khẩu chỉ khoảng 400 USD/tấn là nghịch lý rất lớn, chứng tỏ giá trị thương hiệu gạo Việt đã không được cộng vào giá xuất khẩu.

Sở dĩ như vậy một phần cũng bởi những năm vừa qua Việt Nam quá chú trọng vào việc phát triển thị trường xuất khẩu nhưng lại xem nhẹ phát triển thương hiệu nông sản. “Thị trường gạo toàn thế giới mỗi năm chỉ khoảng 15 tỷ USD. Đó là một thị trường hẹp nên cung tăng một chút thì giá tụt xuống. Chính vì vậy thay vì đặt nặng phát triển thị trường, chúng ta nên chú trọng xây dựng thương hiệu để ổn định giá bán và gia tăng thặng dư lợi nhuận cho DN và người trồng lúa”, ông Bửu nói.

Dẫn chứng bài học xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan, GS.TS Võ Tòng Xuân – một chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, mặc dù câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam đã được nhắc đến trong nhiều năm nay nhưng việc triển khai trên thực tế không như mong đợi.

Đơn cử tại Thái Lan, để xây dựng thương hiệu gạo Hom Mali, Chính phủ nước này đã ban hành nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt và bắt buộc trong sản xuất thương mại. Theo đó, thương hiệu gạo Hom Mali bắt buộc phải được trồng ở Thái Lan, có chứng nhận của cơ quan nông nghiệp Thái, mỗi hạt có chiều dài không quá 7mm, rộng không quá 3mm, hàm lượng tinh bột phải nằm trong khoảng 12-19% và độ ẩm không vượt quá 14%. Chính sự nghiêm ngặt, và các yêu cầu rõ ràng về xuất xứ, mẫu mã, bao bì và sự đăng ký bảo hộ toàn cầu đã khiến loại gạo này trở thành thương hiệu độc quyền của người Thái với giá bán cao, ổn định liên tục trong nhiều năm. Thậm chí, khi bị các doanh nghiệp tại Mỹ bắt chước thương hiệu và chất lượng gạo Hom Mali, phía Thái Lan đã kiện lên Ủy ban Thương mại Liên bang và thắng trong vụ kiện này.

Trong khi đó, tại Việt Nam việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia không được đầu tư bài bản như vậy. Sau nhiều năm phát triển các thương hiệu như: gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, gạo Nàng Thơm chợ Đào, gạo Nàng Nhen Bảy Núi… thì đến nay vẫn chưa có thương hiệu nào được đăng ký độc quyền có chỉ dẫn địa lý và áp dụng những quy chuẩn nghiêm ngặt về hình thức và chất lượng.

Mặc dù mới đây, ngành Nông nghiệp đã công bố được logo thương hiệu gạo quốc gia nhưng mới chỉ là logo nhận diện chung cho tất cả các loại gạo xuất khẩu. Theo ông Võ Tòng Xuân, mặc dù đó cũng đã là một tín hiệu đáng mừng, nhưng chưa đủ mà cần phải tiếp tục xây dựng những thương hiệu gạo cụ thể. Chọn ra một giống lúa ưng ý nhất để phát triển xuất khẩu, giống như Campuchia đã làm với giống gạo thơm Phka Romdoul. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu cũng cần chủ động đầu tư thích đáng vào marketing hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam, đầu tư sâu vào các giá trị gia tăng của sản phẩm như kỹ thuật sản xuất, quy cách chất lượng và sự cam kết lâu dài của chủ thương hiệu. Làm được điều này mới tạo ra cơ sở để quản trị thương hiệu gạo quốc gia.

Theo GS.TS. Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trong bối cảnh hội nhập, giá trị về thương hiệu mới là vũ khí chiến lược để cạnh tranh trên các thị trường quốc tế. Các DN xuất khẩu cũng cần chủ động đầu tư thích đáng vào marketing hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam, đầu tư sâu vào các giá trị gia tăng của sản phẩm như kỹ thuật sản xuất, quy cách chất lượng và sự cam kết lâu dài của chủ thương hiệu. Làm được điều này mới tạo ra cơ sở để quản trị thương hiệu gạo quốc gia.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều