Cần nhất là công bằng, minh bạch và thông thoáng

08:30 | 08/06/2016

Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay, các dịch vụ, chương trình hỗ trợ cho các DNNVV là cần thiết, nhưng việc cung cấp các dịch vụ, chương trình hỗ trợ này không nên tràn lan và mang tính chất “Nhà nước cho DN”, vì điều này tiềm ẩn nguy cơ đi ngược lại nguyên tắc thị trường và các điều ước quốc tế.

Chia sẻ tại Hội thảo phân tích “Chính sách Phát triển DNNVV – Tầm nhìn và Hành động” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức mới đây, nhà báo Huy Đức chia sẻ câu chuyện của Công ty xuất khẩu gạo Cỏ May – DN tham gia lĩnh vực chế biến và kinh doanh gạo từ năm 1986 và đã đạt được nhiều giải thưởng trong nước. DN này có nhà máy chế biến và đóng gói gạo công suất lên tới 80.000 tấn/năm.

can nhat la cong bang minh bach va thong thoang
DNNVV kỳ vọng các điều kiện kinh doanh sẽ thuận lợi hơn nữa

Cỏ May tìm được đối tác và đã đàm phán xong việc xuất khẩu gạo sang Singapore – một thị trường rất khó tính. Nhưng khi đó, để được xuất khẩu gạo, theo quy định tại Nghị định 109/NĐ-CP/2010, DN phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 (năm ngàn) tấn thóc, có ít nhất một cơ sở xay, xát với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ… Và Cỏ May đã không đáp ứng được những yêu cầu đó.

Để “lách” Nghị định 109, Cỏ May đã phải đi đường vòng bằng cách sang Singapore lập một công ty lấy tên Cỏ May Singapore để nhập gạo của chính mình qua một đối tác trong nước không vào được thị trường này nhưng có quyền xuất khẩu trực tiếp.

Tháng 3/2016, 150 tấn gạo với giá bán lẻ là 2,5 đô-la Singapore-SGD (khoảng 40.000 đồng/kg) của Cỏ May đã được xuất sang Singapore, qua đó chính thức đánh dấu sự chinh phục thị trường này của công ty. Thành công như vậy là lớn, nhưng hậu quả và thiệt hại cho Cỏ May nói riêng và cho ngân sách Nhà nước Việt Nam nói chung cũng là điều đáng bàn.

Bởi với con đường đi vòng vèo như vậy, Cỏ May phải mất chi phí thêm 2 SGD cho mỗi tấn gạo xuất đi, chưa kể chi phí vận hành Công ty Cỏ May Singapore và những chi phí khác. Công ty Cỏ May Singapore cũng phải đóng thuế thu nhập DN 17% cho nước sở tại, trong khi Việt Nam không thu được đồng thuế nào của Cỏ May Việt Nam vì hai “Cỏ May” bán “huề vốn” khi xuất khẩu.

Như vậy, Cỏ May cũng như nhiều DNNVV khác đang mong điều đơn giản là có một sân chơi công bằng để họ không phải tìm đường vòng, “lách” luật trong hoạt động kinh doanh.

TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng những chuyện như Cỏ May là tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh. “Đinh” có trong các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật.“Đinh” cũng xuất hiện trong tổ chức thực hiện, trong hành vi cụ thể, kể cả trong các quyết định hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền.

Thêm ví dụ điển hình về “đinh” tạo sự bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh của DN. Cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 2 Quyết định (4088/2015/QĐ-UBND, và 3625/QĐ-UBND) đặt ra một loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long như: Rút ngắn thời hạn (niên hạn) sử dụng các phương tiện thủy; Quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với tàu lưu trú… Như vậy, sẽ phải có thêm bể chứa nước trên tàu, hệ thống dẫn nước… và điều này là không thể thực hiện được với các tàu đang hoạt động.

Theo ông Sơn, điều này chẳng khác gì “bức tử” các DNNVV đang kinh doanh hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn, đe dọa hơn 1000 lao động sẽ mất việc làm, trong khi lại vi phạm một loạt các luật như: Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Dân sự về thẩm quyền điều kiện kinh doanh, phòng cháy, chữa cháy, niên hạn sử dụng phương tiện thủy…

Thậm chí còn có các ý kiến cho rằng, cho dù mục đích của 2 quyết định này nghe có vẻ rất đúng đắn nhưng thực chất đây là hành động “bức tử DN” để tạo điều kiện, sân chơi cho DN khác của các đại gia.

Với một nền kinh tế đang có tới 90% số DN là DNNVV, và phần lớn đang rất yếu lại đứng trước thách thức cạnh tranh của hội nhập cạnh tranh với DN ngoại, thì một luật về hỗ trợ DNNVV đang được soạn thảo. “Nghe thấy thế thì rất vui”, bà Quách Thị Tri, đại diện Công ty TNHH Mường Thanh – một DN nhỏ tại Thanh Hóa bày tỏ.

Nhưng bà Tri và nhiều DN khác cũng không khỏi băn khoăn: đó là hỗ trợ gì, hỗ trợ như thế nào, chính sách đó có thực sự hiệu quả không, có khả thi hay không và chính sách ban hành ra liệu có thêm một cơ chế xin – cho?

Bởi thế, có lẽ cách hỗ trợ thật sự thiết thực cho các DNNVV hiện nay chính là loại bỏ đi những “đinh” trong trong tư duy, và trong những quy định về điều kiện kinh doanh hiện nay-điều đang khiến môi trường kinh doanh dù đã cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn bất bình đẳng, cũng như làm tăng thêm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính (như Nghị định 109 kể trên), cũng như những chi phí không chính thức mà các DN vẫn đang phản ánh.

“Chúng tôi cần sự công bằng, minh bạch và môi trường kinh doanh thông thoáng, có được thế là hỗ trợ rồi”, bà Tri tâm tư.

TS.Lê Duy Bình (Giám đốc Công ty tư vấn Economica), một người đã nhiều năm nghiên cứu về DN và chính sách DN, cho rằng có một luật mới về DNNVV là đáng mừng. Ông và các chuyên gia cùng quan điểm rằng, sự hỗ trợ quan trọng nhất, cần thiết nhất là Nhà nước sẽ nắm vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các DN này, mà không đơn thuần bảo hộ, hỗ trợ cho những nhóm ngành cụ thể.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay, các dịch vụ, chương trình hỗ trợ cho các DNNVV là cần thiết, nhưng việc cung cấp các dịch vụ, chương trình hỗ trợ này không nên tràn lan và mang tính chất “Nhà nước cho DN”, vì điều này tiềm ẩn nguy cơ đi ngược lại nguyên tắc thị trường và các điều ước quốc tế.

Bài và ảnh Đỗ Lê

Tin đọc nhiều