Cần thận trọng với đối tác nước ngoài

09:24 | 21/12/2015

Trong những năm gần đây, Bộ CôngThương liên tiếp đưa ra những cảnh báo về hiện tượng lừa đảo khi xuất khẩu, đặc  biệt là trên mạng internet ở các nước khu vực châu Phi, Đài Loan, gần đây nhất là tại thị trường UAE…Đồng thời, nêu đích danh một số tổ chức cá nhân lừa đảo.

Thủ đoạn lừa đảo chính của các đối tượng là nhân danh đại diện công ty có trụ sở tại nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Bằng hình thức tự đánh bóng thương hiệu, tiềm lực tài chính (thường là qua internet), những DN “ma” này bắt đầu tìm cách… “thả thính” lừa các đối tác “dính câu”. Những đối tượng này thường chọn các nước đang phát triển để tìm cách tiếp cận.

Và thế là, do tâm lý chủ quan, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế nên một số DN Việt Nam vẫn bị lừa mất tiền. Các đối tượng tội phạm thường chủ động liên hệ với các DN qua email hoặc thậm chí DN Việt Nam tự tìm kiếm đối tác trên các trang mạng quốc tế.

can than trong voi doi tac nuoc ngoai
Các DN cần vận dụng các phương thức thanh toán quốc tế tại các TCTD có uy tín

Hình thức lừa đảo chủ yếu là đề xuất ký những hợp đồng có giá trị lớn, thực hiện dễ dàng. Sau đó yêu cầu DN Việt Nam đặt cọc hoặc trả trước chi phí như phí nhập khẩu, giao dịch,phí trúng thầu... Sau khi nhận được các khoản này thì đối tượng cắt đứt mọi liên lạc với DN Việt Nam. Trường hợp thứ hai cũng thường xuyên xuất hiện là lừa tiền đặt cọc của DN nhập khẩu hàng từ châu Phi.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam nhập khẩu một số mặt hàng quan trọng làm nguyên liệu đầu vào sản xuất như gỗ, bông, hạt điều thô, sắt thép phế liệu…Các DN phải đặt cọc cho phí nhà cung cấp ở châu Phi, thường là khoảng 10%- 30% tổng giá trị hợp đồng. Sau khi nhận tiền đặt cọc xong thì các nhà cung cấp không hồi âm, cắt đứt mọi liên hệ và không giao hàng. Số lượng tiền lừa đảo lớn nhất bị phát giác là ở vụ đặt cọc nhập khẩu gỗ từ Ca-mơ-run, số tiền lên đến 40.000 USD.

Bên cạnh đó, một trong những hình thức lừa đảo thường thấy nhất là việc làm giả chứng từ L/C, cài người lấy chứng từ xuất khẩu. Theo đó, các hacker xâm nhập địa chỉ email của hai bên DN đang có giao dịch, theo dõi sát tiến trình đàm phán. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng thì hack hộp mail (hoặc tạo 1 hộp mail có địa chỉ gần như giống tuyệt đối với mail của bên bán) để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.

Cơ quan chức năng cũng cảnh báo, nguyên nhân là do DN Việt Nam đã bất cẩn khi không tiến hành kiểm tra, xác minh đối tác; quá tin tưởng vào đơn vị môi giới; Không kiểm tra kỹ về ngân hàng phát hành L/C mà đã chấp nhận việc khách hàng mở L/C tại một ngân hàng nhỏ, không có trong danh sách ngân hàng tín nhiệm quốc tế, trong khi chuyển hàng hóa đến địa chỉ tại một nước khác; không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng…

Hiện tại, Thương vụ Việt Nam tại UAE đang xử lý vụ việc với cách thức lừa tương tự với số tiền gần 500.000 USD. Mặc dù đã can thiệp với ngân hàng Noor Bank của UAE (tài khoản của đối tượng lừa đảo nằm tại ngân hàng này), tuy nhiên chúng đã kịp rút 2/3 số tiền.

Một vụ việc khác, công ty Arabian Distributor LLC của UAE dùng các biện pháp gian lận gần như không tưởng, lấy được bộ chứng từ gốc hàng hóa để chuẩn bị nhận lô hàng 63 container gạo, giá trị gần 2 triệu USD tại cảng Jebel Ali, Dubai và làm giả Thư tín dụng L/C của Ngân hàng Regnum, Nga. Mặc dù, vụ việc đã được cơ quan chức năng giải quyết và DN Việt Nam đã thu hồi được hàng, nhưng cũng để lại nhiều tổn thất không hề nhỏ.

Để tránh những rủi ro này, DN cần nâng cao hiểu biết về pháp luật và trình độ ngoại ngữ bởi hiện nay trong thương mại quốc tế, không chỉ có luật quốc gia mà còn có nhiều thiết chế pháp lý khác có chức năng điều chỉnh các quan hệ đó. Bên cạnh đó, DN nên nắm bắt thông tin về thị trường và đối tác, không thể chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà quên đề phòng. Thêm nữa, các DN cũng cần nghiên cứu và vận dụng các phương thức thanh toán quốc tế tại các tổ chức tín dụng có uy tín…

Hiện mỗi tháng, có hàng trăm thông tin từ các đơn vị nghiệp vụ được xác minh thông qua Interpol, Aseanapol. Bên cạnh đó, nhiều đơn thư của cá nhân hoặc công ty phía Việt Nam đề nghị xác minh làm rõ tư cách pháp nhân, khả năng tài chính của các công ty tại nước ngoài để phòng ngừa rủi ro trước khi ký kết hợp đồng kinh tế. Hoạt động trên đã giúp các doanh nghiệp trong nước tránh được rủi ro.

Để xác minh thông tin đối tác nước ngoài, DN Việt Nam nên đề nghị cung cấp địa chỉ đầy đủ, bao gồm cả giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu và địa chỉ ngân hàng nơi DN đó mở tài khoản và gửi cho Thương vụ Việt Nam tại các nước sở tại.

Để tránh những rủi ro và tìm kiếm được cơ hội kinh doanh phù hợp, DN cần thực hiện khảo sát thị trường, chủ động tìm kiếm thông tin từ các nguồn chính thống của Bộ Công thương và các Thương vụ. Việc tìm kiếm và giao dịch với khách hàng trên các trang mạng được cảnh báo của các cơ quan chức năng nên hạn chế tối đa.

Về phương thức thanh toán, DN cần thương lượng với đối tác để sử dụng hình thức thư tín dụng L/C không hủy ngang, hoặc bảo đảm của ngân hàng có uy tín quốc tế để phòng ngừa nguy cơ không thanh toán hoặc gian lận của người mua.

Khi có đơn hỏi mua hàng trả giá quá cao, hoặc đơn bán hàng chào giá thấp quá so với mặt bằng, DN cần hết sức lưu ý, kiểm tra kỹ độ tin cậy. Về phương thức mua hàng, DN cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu, đồng thời tiến hành sàng lọc và xác minh rõ các đối tác...

Hoàng Giáp

Tin đọc nhiều