Cần xác định lại năng lực cạnh tranh quốc gia

10:41 | 09/11/2018

Trái với lạc quan ban đầu về khả năng và vị trí của Việt Nam trong CMCN lần này, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây đã không đánh giá cao Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng để xác định mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong tương lai.

Tương lai nào cho lao động giản đơn?!
Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thời cơ từ cuộc CMCN 4.0

“Tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua chủ yếu vẫn dựa vào vốn lao động. Một khi các FTA có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân chưa đủ lực để gánh vác và làm hài hòa tỷ lệ hơn 70% xuất khẩu đang nằm trong tay khối FDI-nơi được dự báo tiếp tục hưởng lợi lớn từ tăng trưởng xuất khẩu do các FTA mang lại. Những bất cập này sẽ được cơ cấu lại như thế nào đang là câu hỏi lớn. Thật may mắn là cuộc CMCN 4.0 dường như đã đặt các quốc gia vào cùng vạch xuất phát trong quá trình tìm kiếm tăng trưởng mới, mở ra cho đất nước những cơ hội để rút ngắn khoảng cách lạc hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình”, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân - Bình Dương đặt vấn đề.

can xac dinh lai nang luc canh tranh quoc gia
“Năng lực cạnh tranh mới” được xây dựng trên nền tảng nguồn nhân lực lao động có chuyên môn và trình độ khoa học công nghệ

Tuy nhiên “tâm thế và nội lực của chúng ta đã sẵn sàng đến mức nào cho cuộc cách mạng này?”. Đặt ra câu hỏi này, ông cũng thẳng thắn chỉ ra lực cản đáng kể trên con đường đi đến quốc gia khoa học công nghệ là một bộ phận dường như còn dị ứng với đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, mức độ đón nhận sáng tạo công nghệ của xã hội - nhân tố quyết định tiến bộ, là một trong những bài học mà cuộc CMCN lần thứ nhất để lại vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, bài học hơn 200 năm đó không phải ai cũng có thể thẩm thấu.

Trái với lạc quan ban đầu về khả năng và vị trí của Việt Nam trong CMCN lần này, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây đã không đánh giá cao Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn nền tảng để xác định mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất mới trong tương lai.

Có nguồn nhân lực dồi dào song trong 100 quốc gia được xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 70 về nguồn nhân lực, thứ 81 về chỉ số lao động chuyên môn cao, thứ 75 về chất lượng đào tạo đại học, thứ 90 về đổi mới công nghệ và sáng tạo, 92 về công nghệ nền, thứ 77 về năng lực sáng tạo; trong khi các chỉ số này chính là hợp phần không thể thay thế cho “phản ứng với 4.0”.

Mới đây nhất, báo cáo Diễn đàn kinh tế thế giới về cạnh tranh toàn cầu năm 2018 đã xếp chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam thứ 95/140 quốc gia, trong khi chỉ số này được đánh giá là nguồn năng lượng của mỗi nền kinh tế số.

Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ có 36% các đơn vị kinh tế hành chính sự nghiệp sử dụng máy tính và internet để điều hành các tác nghiệp, 1,2% tổng số cơ sở cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ công trực tiếp mức độ 4.

Dự báo trước năm 2025, trên thế giới, việc kết nối internet sẽ phổ biến mạnh mẽ; chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất bằng công nghệ in 3D; điện thoại di động được cấy ghép trên cơ thể người; 30% kiểm toán doanh nghiệp do trí tuệ nhân tạo thực hiện; cỗ máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên có mặt trong Hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Lại nữa, trong khi Đại học FPT đã và đang xây dựng 4 tổ hợp công viên phần mềm thì từ năm 1960 Ấn Độ đã có 7 viện công nghệ thông tin và cho đến nay là 20 viện ở hầu hết các bang.

Dù chúng ta đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, song tác động tiêu cực của già hóa dân số lên tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ nhiều và mạnh hơn so với các cuộc CMCN trước đây. Để đi tắt, đón đầu và vượt lên, tất nhiên phải hiểu rõ “địa hình, địa thế” - chính là xu hướng công nghệ của các mô hình quản trị và mô hình kinh doanh. Và nó được xây dựng trên nền tảng nguồn nhân lực lao động có chuyên môn và trình độ khoa học công nghệ.

Đây cũng chính là “năng lực cạnh tranh mới” mà theo ông Nhân, Việt Nam phải xác định rõ ràng.

Hoa Hạ

Tin đọc nhiều