Cạnh tranh đang lớn dần

08:47 | 08/10/2015

Các NH ngoại không chỉ đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư, mà còn “bám rễ” sâu vào mảng bán lẻ tại Việt Nam.

E.SUN - NH hàng đầu tại Đài Loan, đã chính thức thành lập chi nhánh tại Đồng Nai, nâng tổng số NH Đài Loan tại Việt Nam lên tới 11.

canh tranh dang lon dan
Các NH ngoại vẫn lặng lẽ xâm nhập sâu vào thị trường tài chính một cách chính thức

Khi được hỏi vì sao chọn Việt Nam để đầu tư, ông Hoàng Nam Châu- Tổng giám đốc NH E.SUN cho biết, tại Đài Loan, E.SUN được đánh giá là NH phục vụ tốt ở nhiều lĩnh vực, bao gồm dịch vụ phục vụ DNNVV, công ty tài chính đa quốc gia, quản lý tài chính, tài chính cá nhân, dịch vụ tài chính, hỗ trợ các công ty phát hành tại Đài Loan, thẻ tín dụng cùng các dịch vụ tài chính điện tử...

Với tiềm lực đó, E.SUN không lý gì không tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài và bám rễ sâu vào các thị trường mới nổi.

Thực tế, các NH trong nước vẫn biết rằng thời gian qua, số lượng NH nước ngoài bày tỏ ý định mua lại NH Việt Nam và đã bắt đầu tìm hiểu, thương thảo với đối tác trong nước ngày một tăng. Tuy nhiên, chưa có thương vụ nào thành công. Lý do lớn nhất là các bên không thống nhất được việc định giá doanh nghiệp.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là thủ tục hành chính quá phức tạp, quá lâu… nên chuyện NH ngoại đầu tư vào Việt Nam khó ồ ạt. Thế nên, một lãnh đạo NH trong nước vẫn tỏ ra khá lạc quan với đối thủ này.

Quả thật, về lộ trình cam kết chung, thì ASEAN vẫn chấp nhận ngoại lệ nên một số nước kém phát triển hơn được phép có lộ trình hội nhập dài hơn. Vì vậy, cuối năm nay, Việt Nam có thể chưa phải mở cửa ngay ở mức 70% đối với NH, mà có thể chọn các tỷ lệ phù hợp, tùy thuộc vào kết quả đàm phán của Chính phủ. Và một khi câu chuyện pháp lý chưa thông thì các NH muốn đầu tư vào Việt Nam cũng không dễ dàng.

Thế nhưng, nếu nhìn vào số lượng các NH nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây thì rõ ràng, các NH ngoại vẫn lặng lẽ xâm nhập sâu vào thị trường tài chính một cách chính thức. Ví dụ, chỉ riêng Đài Loan đã có 11 chi nhánh được cấp phép.

Nếu cứ đúng theo lộ trình là bước đầu lập văn phòng đại diện, tiếp đến lập chi nhánh hoặc liên doanh, sau đó là thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc có thể bỏ tiền mua 100% cổ phần của NH trong nước, thì chẳng bao lâu nữa sẽ có 11 NH 100% vốn Đài Loan tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, quyết định đầu tư ngay lập tức NH con tại Việt Nam thay vì mua cổ phần NH trong nước luôn được các định chế tài chính yêu thích. Điều này được lãnh đạo của Hong Leong Bank thừa nhận và nói rằng, triết lý kinh doanh của phần lớn NH ngoại là phải nhanh chóng biến mình thành một phần của xã hội mà mình đang hoạt động.

Như vậy, việc mua cổ phần của các NH trong nước không đáp ứng được điều này. Ngoài ra, việc mở NH con tại Việt Nam cho thấy sự cam kết đầu tư dài hạn của NH ngoại tại Việt Nam. “Vì vậy, quyết định thành lập NH con với đầy đủ năng lực kinh doanh mới là quyết định đúng đắn”, vị này chia sẻ.

Với mục tiêu vạch rõ, các NH ngoại dường như sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các NH trong nước, trước hết là các sản phẩm cung cấp cho DN FDI. Do đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, các NH trong nước cần có biện pháp ứng phó kịp thời và phù hợp.

Thực tế cũng cho thấy, các NH ngoại hiện nay không còn đơn thuần là một tổ chức tài chính đi theo hỗ trợ doanh nghiệp của họ, mà đã đem những điểm mạnh nhất của mình sang để cạnh tranh.

Chẳng hạn, đối với Hong Leong Bank (thuộc Tập đoàn Hong Leong) có thế mạnh không chỉ ở tài chính NH, mà còn ở mảng sản xuất và phân phối bất động sản, du lịch khách sạn, đầu tư tài chính tại Malaysia. Khi vào Việt Nam, Hong Leong Bank phát triển đồng đều cả mảng bán lẻ và mảng khách hàng doanh nghiệp.

Trong đó, NH này đang phát triển khá mạnh ở đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình, vốn chiếm phần lớn dân số Việt Nam. Được biết, ngay khi thành lập NH con, đội ngũ nhân viên Việt Nam và nước ngoài của NH đã bắt tay nghiên cứu các sản phẩm riêng phù hợp cho từng nhóm khách hàng nhỏ.

Ví dụ, khi nhận thấy rằng Việt Nam có dân số trẻ, số lượng người trẻ sử dụng điện thoại di động và Internet rất lớn, NH đã xác định đây là nhóm khách hàng tiềm năng để phát triển các dịch vụ NH sử dụng công nghệ cao.

Đối với E.SUN cũng vậy, trong 6 năm chờ đợi NHNN cấp phép thành lập chi nhánh Đồng Nai, ban lãnh đạo của NH này đã từng bước thực hiện chiến lược “Bám rễ Đài Loan, mở rộng mạng lưới châu Á”.

Trong đó, NH cung cấp khá nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính sáng tạo, đặc biệt là cho khối DN Việt Nam có xuất khẩu sang các thị trường Đài Loan, Trung Quốc…

Nhìn chung, việc mở cửa với mức độ lớn hơn sẽ tạo nhiều cơ hội cho NH trong nước tìm nhà đầu tư, đối tác chiến lược, song cũng đặt ra không ít thách thức. Vì thị trường tài chính có thể khó khăn với NH trong nước, nhưng có khi đó lại là cơ hội cho các NH nước ngoài với tiềm lực mạnh. Bên cạnh đó, trình độ quản trị của các NH Việt Nam có thể không thua NH các nước trong khu vực, nhưng quy mô còn nhỏ bé, sản phẩm, dịch vụ, chất lượng... còn ít và kém hơn.

Để tăng năng lực cạnh tranh, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, NH trong nước cần đi nhanh hơn bằng các hình thức như mua lại, thâu tóm, liên kết... và tập trung nhiều hơn vào công nghệ, con người. Có như vậy mới có thể sớm có một số NH tầm cỡ khu vực, tạo lực cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế.

Quỳnh Chi

Tin đọc nhiều