Cạnh tranh nhân lực chất lượng cao

09:08 | 22/12/2016

Sự thiếu hụt về nhân lực trình độ cao hiện tại của Việt Nam có thể sẽ bớt căng thẳng hơn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu mở cửa thị trường lao động. Đồng thời, sự cạnh tranh giữa nguồn lao động trong nước và nước ngoài cũng sẽ được kích hoạt. Theo đó, lao động trong nước có thể “thua thiệt”...

Vì sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thiếu nhân lực chất lượng cao: Rào cản cần vượt để nâng tính cạnh tranh

Trên 250 lao động đã được công ty Euro Window tuyển dụng thông qua phỏng vấn trực tiếp tại Ngày hội việc làm, hướng nghiệp diễn ra mới đây. Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết, với những vị trí quan trọng như giám đốc, kỹ sư điện hay lập trình viên giỏi... thì rất ít ứng viên đủ tiêu chuẩn.

canh tranh nhan luc chat luong cao
Cần nâng cao năng lực đào tạo cho các trường dạy nghề

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có số người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số chiếm tỷ lệ 75,2%. Là nước đang ở giai đoạn dân số vàng, nhưng số lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm tỷ lệ 17,9% (nông thôn 11,2%).

Điều này cho thấy chất lượng nhân lực ở nước ta vẫn còn thấp. Còn theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, số lượng người qua đào tạo không ngừng tăng lên, nhưng chủ yếu là lao động được đào tạo ngắn hạn nên rất thiếu lao động có trình độ tay nghề giỏi, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Nhân lực chất lượng cao không chỉ thiếu ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, mà thậm chí ở ngay các đô thị lớn, những khu vực có sức hút đối với người có trình độ, năng lực. Chẳng hạn như Hà Nội hiện có khoảng 150.000 DN, cao thứ hai trong cả nước. Tuy nhiên, Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với nhu cầu sử dụng của các DN.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội đang thiếu hụt lao động trình độ cao trong các ngành về kỹ thuật, cơ khí, điện, điện tử, cơ điện, công nhân trong các ngành sản xuất các sản phẩm từ hóa chất, cao su, plastics... Một trong những nguyên nhân được đưa ra chính là công tác đào tạo nghề hiện nay vẫn còn yếu, đặc biệt với những nghề mũi nhọn, nghề trọng điểm mang tính cạnh tranh cao của nền kinh tế.

Về phía chủ sử dụng lao động, ông Lê Quang Minh, đại diện CTCP Việt Nhật cũng thừa nhận, nhà tuyển dụng rất khó tìm kiếm nhân sự phù hợp. Với một thị trường lao động còn lệch pha cung và cầu với các nhân sự chất lượng cao như hiện nay thì việc cạnh tranh thu hút giữa các DN đã đẩy các chính sách đãi ngộ đối với đối tượng lao động này ngày càng lên cao.

Tuy nhiên, nhiều DN vẫn buộc phải tuyển dụng lao động “non” về trình độ so với yêu cầu của vị trí tuyển dụng, hoặc mất rất nhiều chi phí để đào tạo lại. Đặc biệt là các DNNVV, khả năng cạnh tranh về tuyển dụng khó khăn hơn các DN lớn thì việc tuyển dụng cán bộ “non” và phải đào tạo lại là khó tránh khỏi.

Sự thiếu hụt về nhân lực trình độ cao hiện tại của Việt Nam có thể sẽ bớt căng thẳng hơn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu mở cửa thị trường lao động. Đồng thời, sự cạnh tranh giữa nguồn lao động trong nước và nước ngoài cũng sẽ được kích hoạt. Theo đó, lao động trong nước có thể “thua thiệt”.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan lần lượt đạt 5,76, 5,59 và 4,94 điểm... Điều này cho thấy sự yếu kém về chất lượng lao động, cũng như năng suất lao động và nhiều yếu tố khác của nguồn nhân lực nước ta.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội khuyến nghị, để nguồn nhân lực được đào tạo vừa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa có thể cạnh tranh trong thị trường lao động hội nhập, cần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề cho các trường dạy nghề, nhất là các nghề đào tạo về công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động tự nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình để cải thiện năng lực cạnh tranh từ bên trong.

Bài và ảnh Hiếu Minh

Tin đọc nhiều