Cạnh tranh thiếu lành mạnh, doanh nghiệp gặp khó

12:00 | 05/05/2017

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, hiện có nhiều hãng kinh doanh gas hoạt động. Trong đó, có những DN lớn, uy tín trên thị trường như, Petrolimex, PetroVietnam Gas hay VT-Gas... Song, điều đáng nói, những DN này lại đang là nạn nhân của các chiêu kinh doanh “bẩn”, khi thương hiệu của họ bị các DN khác đội lốt để kinh doanh.

Thiếu cạnh tranh và liên kết: Hàng nội khó đặt chân vào siêu thị
Bán lẻ trước áp lực cạnh tranh

Vấn nạn này không chỉ gây bức xúc cho DN, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nguy hiểm hơn là những ẩn họa gây cháy nổ, mất an toàn trong sử dụng các sản phẩm gas…

canh tranh thieu lanh manh doanh nghiep gap kho
Cạnh tranh trên thị trường gas đang diễn biến khá phức tạp

Được biết, năm 2016 Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đã kiểm tra khoảng 100 cơ sở kinh doanh gas, xăng dầu. Trong đó, xử lý 17 đơn vị vi phạm. Từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình vi phạm trong kinh doanh gas không những không có dấu hiệu suy giảm, mà mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn.

Trong đó, nổi lên là vi phạm về nhãn mác, niêm yết giá, nhất là tình trạng thu gom vỏ bình gas rồi sang chiết trái phép vẫn tiếp diễn phức tạp. DN nhỏ, hoặc các cơ sở sang chiết gas trái phép đã sử dụng vỏ các bình gas của các thương hiệu lớn, rồi tung ra thị trường, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng để trục lợi. Hiện, trên địa bàn TP. Đà Nẵng, thương hiệu gas Petrolimex đang chiếm khoảng 30% thị phần.

Bởi vậy, thương hiệu này cũng được nhiều đối tượng làm giả, làm nhái “quan tâm”. Vốn quen dùng sản phẩm Petrolimex, mới đây ông Nguyễn Xuân Thục, trú phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) gọi đến một đại lý đổi gas như thông thường. Tuy nhiên, khi sử dụng, gia đình đã phát hiện những dấu hiệu bất thường như, ngọn lửa yếu, độ vươn cao không ổn định như trước.

Đặc biệt, mới chỉ dùng gần 2 tháng, bình gas này đã hết, trong khi thông thường mỗi bình gas gia đình phải dùng đến hơn 3 tháng. Nghi ngờ mua phải hàng “lởm”, ông Thục nhờ một nhân viên của Petrolimex đến kiểm tra thì mới biết đây là hàng giả, mặc dù, bình gas này vẫn mang ký hiệu của Petrolimex như lâu nay gia đình vẫn sử dụng…

Trên thực tế, đại bộ phận các “thượng đế” khi sử dụng các sản phẩm gas thường vẫn chỉ dựa vào màu sơn hoặc ký hiệu của thương hiệu DN, mà ít chú ý đến các thông số kỹ thuật khác. Điều này, đã tạo điều kiện cho nhiều DN, cơ sở làm ăn trái phép đánh lộn đồng thau, giữa hàng xịn với hàng nhái.

Theo ông Nguyễn Ngọc Mân, Phó giám đốc Công ty TNHH Gas Petrolimex Đà Nẵng, dù đã lập đường dây nóng từ số điện thoại 18001251, nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng biết để gọi. Lợi dụng sự thiếu thận trọng của khách hàng, nhiều cơ sở, DN mạo danh chính hãng gas gây nhầm lẫn cho khách hàng. Không ít DN đã lại lấy logo của Petrolimex, khách hàng cứ nghĩ đây là bình gas của Petrolimex.

Tương tự, theo đại diện một DN kinh doanh gas trên địa bàn TP. Đà Nẵng, hiện đang có khoảng 30% vỏ bình gas lưu thông trên thị trường đã được hoán cải từ vỏ bình trôi nổi rồi thay tên đổi họ, đánh lừa người tiêu dùng. Bức xúc trước tình trạng này, một số DN đã tự điều tra những DN, cơ sở làm ăn phi pháp, song hiệu quả thu được rất thấp...

Trong khi đó, chế tài xử phạt hành vi kinh doanh “bẩn”, trên thị trường gas vẫn chưa mạnh tay, không đủ sức răn đe. Theo quy định xử phạt hành vi mua bán gas, vỏ bình gas trôi nổi trên thị trường, không có nguồn gốc, xuất xứ; mua bán gas không phù hợp với tổng đại lý, chỉ ở mức 20-30 triệu đồng. Còn nếu bị tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gas, các đối tượng lại sẵn sàng xóa tên cũ lập tên mới...

Để bảo vệ mình, khách hàng cần trang bị những kiến thức cơ bản để phân biệt thật giả. Theo đó, khi đặt mua các sản phẩm gas, người tiêu dùng nên biết rõ địa chỉ đại lý, cửa hàng cụ thể. Khi nhận gas, nên kiểm tra nhận diện thương hiệu, trọng lượng, niêm phong, tem chống hàng giả. Thông thường, các bình gas giả, chữ nổi phía trên vỏ bình gas của nhà sản xuất sẽ được mài mòn, thậm chí bị tẩy xóa.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều