Cắt bỏ điều kiện kinh doanh GTVT: Chuyển từ trạng thái nọ sang trạng thái kia

08:26 | 27/03/2018

Theo ý kiến tại hội thảo lấy ý kiến danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) ngày 26/3/2018,  những điều kiện được cắt giảm mà Bộ đang lấy ý kiến chưa đúng với những gì DN mong đợi, vẫn chỉ là “chuyển từ trạng thái nọ sang trạng thái kia”.

cat bo dieu kien kinh doanh gtvt chuyen tu trang thai no sang trang thai kia
Ảnh minh họa

Bộ GTVT đang rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực GTVT và đã có phương án cắt bỏ những điều kiện đang là rào cản bất hợp lý cho DN đầu tư, gia nhập thị trường.

Nội dung rà soát và các điều kiện cắt bỏ đã được gửi lấy ý kiến của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, và các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp và VCCI… để lên phương án cắt bỏ.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga (Vụ trưởng vụ pháp chế GTVT) cho biết, Tổ công tác của Chính phủ cho rằng lĩnh vực GTVT có 489 điều kiện kinh doanh, nhưng chính Bộ rà soát lại thấy có 570 điều kiện.

“Những điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT không chỉ tác động đến các DN GTVT mà tác động lớn đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, tác động tới rất nhiều đối tượng trong xã hội nên chúng tôi làm rất kỹ lưỡng”, bà Nga cho biết.

Nhưng theo ý kiến tại hội thảo lấy ý kiến danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT ngày 26/3/2018, những điều kiện được cắt giảm mà Bộ đang lấy ý kiến chưa đúng với những gì DN mong đợi, vẫn chỉ là “chuyển từ trạng thái nọ sang trạng thái kia”.

Đơn cử như, các điều kiện Đơn vị kinh doanh vận tải phải trang bị máy tính, phải có đường truyền kết nối mạng, phải theo dõi, xử lý thông tin tiếp nhận từ thiết bị giám sát hành trình của xe, phải bố trí đủ số lượng lái xe theo phương án kinh doanh… được chuyển thành nội dung quản lý trong quá trình hoạt động.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Bộ GTVT vẫn chưa thực sự quyết liệt, mới chỉ là rà soát cơ học theo tinh thần cái gì chưa rõ thì bỏ và lại chuyển các điều kiện kinh doanh thành quy định về quản lý hoạt động vận tải hoặc quy định về trách nhiệm.

Phải cắt bỏ thực sự mới giảm gánh nặng cho DN. “Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh lần này phải giống như một cuộc cải cách về thể chế, về quy định pháp luật, phải thực sự là gỡ bỏ các quy định đang cản trở việc kinh doanh chứ không phải chỉ là sàng lọc”, ông Hiếu nói.

Trong xu thế xây dựng Chính phủ kiến tạo, cần phải tôn trọng quyền tự quyết của DN. Khi đưa ra bất kỳ một điều kiện hay yêu cầu nào hạn chế quyền tự chủ của DN cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý, để làm gì, có tác dụng gì và tác dụng đó có bù đắp được cho chi phí của xã hội hay không. Thay vì áp đặt các điều kiện, trách nhiệm đối với các DN vận tải, cần tính đến phương án hiệu quả hơn để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN, vừa đáp ứng được nhu cầu quản lý.

Ông Hiếu cũng lưu ý, các nhà đầu tư không kinh doanh từ đầu đến cuối nữa mà chỉ chọn một trong số các công đoạn để kinh doanh. Trong khi các quy định hiện nay vẫn theo tư duy kinh doanh truyền thống tức là đã là DN thì phải có tài sản, phải mua thiết bị. Người tham gia kinh doanh cũng phải là người của DN và DN đã kinh doanh phải tổ chức kinh doanh từ đầu đến cuối, phải chịu trách nhiệm với khách hàng.

“Bây giờ các nhà đầu tư chọn kinh doanh một trong số các công đoạn như chỉ kinh doanh dịch vụ kết nối thôi. Người ta kinh doanh đến đâu thì quy định pháp lý điều chỉnh đến đấy”, ông Hiếu nói.

Linh Linh

Tin đọc nhiều