CEO Techcombank:​ Khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường

14:34 | 05/03/2019

Khi quyết định quay trở về Việt Nam sống và làm việc sau mấy chục năm xa cách là tôi muốn cùng anh Hồ Hùng Anh thực hiện chung một ý tưởng, một tinh thần yêu nước... - Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng.

ceo techcombank khat vong xay dung mot nuoc viet nam hung cuong
Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh

Sở hữu một phong cách lịch lãm, hiện đại, Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh không e ngại hay né tránh việc gặp gỡ, tiếp xúc với báo giới mà luôn nhiệt thành trả lời thấu đáo trước những vấn đề mà phóng viên quan tâm. Kể từ khi ông lên giữ vị trí Tổng Giám đốc Techcombank vào tháng 9/2016, Techcombank đã trở thành ngân hàng đầu tiên luôn công bố và minh bạch hóa thông tin hoạt động theo từng quý, thông qua các cuộc họp báo, gặp gỡ nhà phân tích định kỳ.

Và không là ngoại lệ, trong một ngày đầu Xuân ấm áp, CEO Nguyễn Lê Quốc Anh đã dành cho phóng viên Thời báo Ngân hàng một cuộc trao đổi chân tình, cởi mở. Bên cạnh câu chuyện kinh doanh với những con số, lợi nhuận, ông cũng không ngại ngần khi chia sẻ những câu chuyện mang tính cá nhân, quan điểm sống hay triết lý kinh doanh của mình vốn trực tiếp hay gián tiếp tác động đến quá trình điều hành đối với Techcombank.

Chiến thắng toàn đội mới là quan trọng

Sau hơn 2 năm dưới “thời” Nguyễn Lê Quốc Anh điều hành, dẫn dắt trên cương vị Tổng giám đốc, Techcombank đã có những bước phát triển ngoạn mục. Từ điểm rơi thấp nhất năm 2012-2013, đến năm 2016 - 2017, liên tiếp 2 năm liền, Techcombank đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi. Và năm 2018, lần đầu tiên Techcombank đã cán mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trở thành ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất hệ thống ngân hàng TMCP tư nhân và được định giá trong nhóm thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam… Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến những thành công vượt trội nói trên?

Trước tiên phải khẳng định: Điều làm tôi tự hào nhất về Techcombank không phải là lợi nhuận mà là việc chúng tôi quy tụ được một đội ngũ đồng hành giỏi, tâm huyết, có tinh thần đồng đội, phối hợp cao, đồng khao khát xây dựng giá trị cho tổ chức và đóng góp cho cộng đồng. Đây là tài sản quý báu nhất và cũng là thành công của Techcombank. Bởi, dù là thời đại công nghệ nào thì con người vẫn là trung tâm và đầu não. Con người làm ra robot, con người điều khiển hệ thống và xây dựng công nghệ mới.

Do vậy, nếu không xây dựng được nền tảng nhân sự vững thì rốt cuộc chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào nhiều yếu tố ngoại cảnh. Ngược lại, khi chúng ta có nền tảng cốt lõi là con người, thì việc xây dựng hệ thống công nghệ, vận hành để phục vụ khách hàng và đạt mục tiêu lớn là chuyện hiển nhiên. Con người là điểm tựa của đòn bẩy thành công.

"Điều làm tôi tự hào nhất về Techcombank không phải là lợi nhuận mà là việc chúng tôi quy tụ được một đội ngũ đồng hành giỏi...".

Thứ nữa, cũng cần diễn giải thêm thế này. Các anh chị em trong Techcombank thường hay chia sẻ với tôi rằng: “Mọi người nói Techcombank là số 1 của thị trường, vậy mà sao em thường có cảm giác chưa đạt mục tiêu của mình? Liệu chúng ta có đặt mục tiêu sai chăng?”. Nghe qua thì có vẻ phi lý, nhưng xét kỹ thì mục tiêu cao có cái lý của nó.

“Số 1 của thị trường” ở đây được hiểu là sự so sánh giữa nhiều đối tượng bên ngoài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Còn mục tiêu của mình là chủ quan, do mình tự đặt ra, có tính chất cố định và phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thực thi của bản thân. Trong khi thành quả của đối tượng bên ngoài lên xuống như thế nào thì ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Vì thế khi mục tiêu của mình cao hơn định vị “số 1 bên ngoài” dù vẫn mới chỉ tiệm cận chỉ tiêu do chính mình đặt ra, nhưng so với các đối tượng bên ngoài thì mình vẫn vượt, vẫn về nhất.

Ví dụ, mình đặt ra mục tiêu là 10 điểm, thực tế chỉ đạt 9. Nhưng nếu so với điểm cao nhất bên ngoài chỉ là 8,5, thì 9 vẫn là cao nhất. Vì vậy, năm vừa rồi, nhìn lại, Techcombank đã đạt được một số mục tiêu và thành công vượt trội so với thị trường Việt Nam. Nhưng trong đó có nhiều bộ phận chưa đạt được chỉ tiêu như mong đợi của mình. Song cộng lại hết kết quả của đồng đội, mọi bộ phận trong tổ chức thì con số ấy khá lớn.

Thành công của năm 2018 vừa rồi, thực ra được bắt đầu từ thành quả của nhiều năm trước. Giống như khi ta trồng cây, hàng ngày chăm sóc tưới tắm cho cây thì cứ tự hỏi sao cây lâu lớn vậy? Nhưng với những người chỉ thỉnh thoảng ngang qua thì thấy cây đó đã cao vượt trội tự bao giờ.

ceo techcombank khat vong xay dung mot nuoc viet nam hung cuong

Ông vừa nói điều mình tự hào nhất về Techcombank bây giờ không phải là lợi nhuận mà là các ông đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ giỏi, tâm huyết. Ông có thể chia sẻ thêm về quan điểm thu hút và giữ chân nhân tài khi mà nhân sự luôn là bài toán không dễ giải đối với các ngân hàng?

Trong cuộc sống cũng như công việc, việc muốn đi, muốn đến, hay ở lại là do cá nhân quyết định. Khả năng người ngoài hay tổ chức có tác động gây ảnh hưởng trực tiếp rất khiêm tốn. Vì vậy, để giữ người ở lại với mình, thì trước hết là phải làm sao để cho cá nhân đó không muốn rời đi. Với tôi, việc tổ chức có thể làm được là xây dựng nền tảng và tạo dựng một môi trường giúp mọi người có sân chơi, có đất để dụng võ, phát huy được năng lực cá nhân, khuynh hướng, thế mạnh của mình. Từ đó tự nâng giá trị bản thân của mỗi cá nhân. Để mỗi người thấy Techcombank là một môi trường mà họ muốn tham gia, với những thành viên phù hợp và cùng đồng hành phát triển, từ đó gắn bó và là một thành viên lâu dài.

Ví dụ như khi chúng ta xây dựng một đội bóng, nếu mục đích chỉ chơi ở sân làng không thôi, thì sau một thời gian các cầu thủ giỏi sẽ chán và bỏ đi. Ngược lại, nếu đội bóng chúng ta chiếm giải ở làng, rồi lên tỉnh, sau đó vươn tầm quốc gia, khu vực, rồi muốn tiến đến giải quốc tế, và tổ chức đó lại có thể tạo ra một sân chơi đủ rộng, có sự đầu tư, hoặc phát triển công cụ để giúp mọi người tự đạt mục tiêu của mình, cùng có động lực, đam mê, cống hiến... thì đội bóng đó chẳng những sẽ giữ được chân mà còn thu hút được thêm các cầu thủ tài giỏi.

Vì mọi người đều muốn cùng nhau giành những chiến thắng vĩ đại nhất. Và một khi mỗi người đều cảm thấy đây là nơi họ có thể đóng góp xây dựng giá trị cho cộng đồng và cá nhân thì tự nhiên nhân sự sẽ muốn đến và muốn ở lại với mình.

"Vì mọi người đều muốn cùng nhau giành những chiến thắng vĩ đại nhất".

Nhắc đến CEO Nguyễn Lê Quốc Anh, một trong những tố chất đặc biệt nổi trội mà nhiều người hay đề cập là khả năng truyền cảm hứng đến nhân viên của mình. Ông nghĩ sao về điều này?

Truyền cảm hứng sẽ không có nhiều ý nghĩa, nếu người nghe họ không thấy có cảm hứng. Và như vậy, dù có nói thế nào họ cũng không muốn nghe. Vì vậy, điều trước tiên để truyền được cảm hứng là mình lắng nghe để hiểu, thông cảm và từ đó nói lên được những gì mà người ta mong muốn.

Ví dụ như năm ngoái, Techcombank đưa ra định vị thương hiệu: “Vượt trội hơn mỗi ngày”. Khi lần đầu công bố, nhiều người phản hồi rằng họ cảm thấy sao quen quá, như đã được nghe từ rất lâu. Ấy là bởi thông điệp đó đã thể hiện được tâm tư, nguyện vọng thẳm sâu về khao khát và nỗ lực vươn lên hàng ngày. Để muốn nói rằng: một khi thông điệp chạm được trái tim, tạo nên sự đồng cảm thì tự khắc nó sẽ truyền được cảm hứng tới mọi người.

ceo techcombank khat vong xay dung mot nuoc viet nam hung cuong

"Một khi thông điệp chạm được trái tim, tạo nên sự đồng cảm thì tự khắc nó sẽ truyền được cảm hứng tới mọi người".

Ý nghĩa của thông điệp “Vượt trội hơn mỗi ngày”

“Vượt trội hơn mỗi ngày” đúng là nghe rất thôi thúc, truyền động lực và cảm hứng. Hẳn có nhiều điều đáng chia sẻ khi Techcombank xây dựng câu định vị thương hiệu này?

Hồi đi học Tiến sĩ ở Mỹ, tôi phát hiện ra một điều: Những ông thầy dù màu da sắc tộc thế nào, cách phát âm nặng nhẹ ra sao, nhưng nếu là những người thực sự giỏi, am hiểu sâu thì họ nói rất ít mà ý rất rõ. Còn những ông thầy nào kém, thường hay nói huyên thuyên, nghe thì có vẻ lưu loát, nhưng ý tứ lộn xộn, không ai hiểu gì. Và tôi đã hiểu “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” - ít mà tinh, ít mà thâm thúy mới thực là khó.

Trở lại với định vị thương hiệu “Vượt trội hơn mỗi ngày” cũng tương tự như vậy. Chỉ vỏn vẹn trong 5 từ ngắn gọn đó, nghe thì rất đơn giản, rất hiển nhiên nhưng để chắt lọc ra được 5 từ đó, không hề đơn giản chút nào. Chúng tôi đã phải mất hơn một năm rưỡi để thực hiện hành trình từ Bắc vào Nam, từ thành phố tới nông thôn để làm những cuộc khảo sát, tìm hiểu về tâm tư nguyện vọng.

Sau rất nhiều nghiên cứu, thống kê, chúng tôi nhận thấy ở Việt Nam, quá nửa dân số đang ở độ tuổi trên dưới 30 - một lứa tuổi rất giàu tinh thần lạc quan và tinh thần tự lập. Với một thế hệ như vậy, để có thể thành công, đi xa hơn, đi nhanh hơn, việc có người hỗ trợ, tạo điều kiện là rất cần thiết. Vậy Techcombank có thể làm gì trước một đối tượng khách hàng đang ở độ tuổi giàu sức trẻ và nhiệt huyết này?

Dẫn dắt? Đồng hành? Bảo trợ? Chúng tôi khám phá ra đó không phải là những điều người trẻ tuổi đầy tham vọng và nhiệt huyết mong muốn. Điều mà họ cần là có người hỗ trợ, tạo điều kiện để giúp họ lớn hơn, mạnh hơn, thành công hơn và đạt được mục tiêu dựa trên nỗ lực, công sức trên tinh thần “tự lực cánh sinh”. Và Techcombank cam kết hỗ trợ những người có khát khao thành công lớn, có tinh thần tự lực để chính họ Vượt trội hơn mỗi ngày. Chẳng hạn như, chúng tôi có thể cung cấp tư vấn tài chính giúp các chủ đầu tư có khả năng đầu tư chính xác hơn; hay cung cấp các dịch vụ toàn diện để những bạn trẻ có thể hiện thực hóa giấc mơ cao hơn, xa hơn.

"Techcombank cam kết hỗ trợ những người có khát khao thành công lớn, có tinh thần tự lực để chính họ Vượt trội hơn mỗi ngày".

Tinh thần là vậy. Nhưng làm thế nào để tìm ra một định vị thương hiệu mang tính phổ quát nhất, đại diện đúng nhất cho ý chí, khát vọng, tinh thần lạc quan và tự lập của người Việt Nam - một mệnh lệnh thôi thúc có thể gắn kết, tương tác và truyền cảm hứng đến với mọi người dân, với toàn xã hội. Đó là điều không dễ chút nào!

Chỉ đơn cử việc chúng tôi tìm và thuê nhà thầu nổi tiếng am hiểu không chỉ văn hóa Việt Nam mà còn am hiểu văn hóa toàn cầu để tìm cho ra một từ thích hợp bằng tiếng Anh “Be Greater” đã là cả một câu chuyện. Chưa kể đến việc huy động chất xám trong và ngoài hệ thống để chuyển ngữ cho được từ ấy ra tiếng Việt, sao cho lột tả hết được cái hồn cốt của nó lại là câu chuyện dài khác.

“Be Greater” tiếng Anh nghĩa gốc động từ “Be” là hãy làm đi, trở thành, trở nên. “Greater” có nghĩa là to lớn hơn, vĩ đại hơn. Đa phần, khi dịch ra tiếng Việt, mọi người thường dùng từ lớn mạnh hơn, xuất sắc hơn,... nhưng tất cả nghe đều không ổn. Phải trải qua rất nhiều trăn trở, biết bao suy nghĩ, cân nhắc để tìm cách diễn giải cho cụm từ “Be Greater”. Và chỉ đến khi câu “Vượt trội hơn mỗi ngày” được bật ra thì lúc đó, tất cả mọi người mới thực sự cảm thấy hài lòng vì ‎ý nghĩa của thông điệp đã được được chuyển tải một cách đầy đủ nhất.

Là người có nhiều thời gian được tiếp xúc với các giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây, ông cảm thấy thế nào về giá trị cốt lõi giữa hai nền văn hóa ấy? Và trong quá trình quản lý điều hành, ông vận dụng ra sao?

Thực ra, khi mình đọc nhiều, trải nghiệm nhiều thì thấy giá trị cốt lõi giữa hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây không khác nhau nhiều, có khác thì chỉ khác về cách diễn đạt, ở bề ngoài mà thôi. Ví dụ như ở Mỹ người ta ăn bánh Hamburger, còn ở Việt Nam thì ăn cơm. Và con người vẫn cùng chung ở một điểm là cần cái ăn, cái mặc, nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Cả Việt và Mỹ đều có những câu kiểu như: “Muốn nhanh thì phải từ từ”, tức là phải có sự chuẩn bị. Hầu như ngôn từ nước nào cũng có ý đó. Điều mình cần là làm sao để giúp cho mọi người thấy những nhu cầu của con người về cơ bản là giống nhau. Như khi nói “Vượt trội hơn mỗi ngày”, mọi người đều cảm thấy có mình ở trong đó.Và giữa cái chung, cái hay là mỗi người đều cảm nhận có khác nhau một chút.

Hay, mọi người thường nghĩ chủ nghĩa cá nhân là của Mỹ, của phương Tây. Nhưng thực ra câu này đã có từ thời Khổng Tử. Khổng Tử nói “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” thì mọi người nghĩ thế nào, có “chủ nghĩa cá nhân không?”. Thực ra người Tây Phương rất thích học sách Khổng và đã đưa nhiều tiêu chí đó vào đời sống hàng ngày.

Trong một tổ chức cũng vậy. Mức độ phức tạp không nằm ở văn hóa phương Đông hay phương Tây mà nằm ở chỗ do tập hợp nhiều người lại với nhau mà không đồng một chí hướng. Chỉ việc 9 người 10 ý là phức tạp rồi. Vì vậy, cái khó là làm sao để tập hợp họ lại với nhau, chọn mô hình thích hợp để tất cả cùng vì mục tiêu chung.

Khi tôi về Techcombank làm việc, tôi muốn mọi người tự quyết định, còn tôi chỉ là người hỗ trợ. Vì nếu mình quyết định mà anh em không làm thì kết quả cũng không ra. Theo đó, tất cả từng khối, từng đội, các bạn tự đưa ra quyết định, tự đề xuất công việc mình phải làm và tôi có trách nhiệm gắn nối để có sự phối hợp nhịp nhàng tổng thể. Việc A làm, B cũng biết và ngược lại. Cả hai bên cùng giúp nhau để đạt được mục tiêu chung.

ceo techcombank khat vong xay dung mot nuoc viet nam hung cuong

"Khi tôi về Techcombank làm việc, tôi muốn mọi người tự quyết định, còn tôi chỉ là người hỗ trợ".

Biến mục tiêu chung thành mục tiêu của mọi người

Từ bỏ cuộc sống đáng mơ ước nơi đất Mỹ, theo lời mời của Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh đầu quân về Techcombank làm việc. Động lực gì khiến ông có thể đưa ra một quyết định lớn như vậy?

Khi quyết định quay trở về Việt Nam sống và làm việc sau mấy chục năm xa cách là tôi muốn cùng anh Hồ Hùng Anh thực hiện chung một ý tưởng, một tinh thần yêu nước. Giống như anh Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup - PV), một trong 3 giá trị cốt lõi mà anh ấy đưa ra là tinh thần yêu nước. Mọi người thường hay nghĩ trên góc độ cạnh tranh nhau. Thực ra tinh thần cạnh tranh cần phải có khi chơi bóng để mình mạnh hơn, cả đội mạnh hơn, nhưng đồng thời vẫn phải có tinh thần đồng đội vì cái chung. Thì đó mới là sự cạnh tranh lành mạnh.

Anh Vượng, Hùng Anh, hay anh Đăng Quang, mỗi người có một cách làm khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu chung là xây dựng một tổ chức vững mạnh, vì một nước Việt Nam hùng cường. Cái khó của mình ở đây phải là có sự phối hợp với nhau, biến mục tiêu chung thành mục tiêu của mọi người. Khi tất cả cùng đạt mục tiêu riêng của từng người cũng có nghĩa là mục tiêu chung đã đạt.

"Khi tất cả cùng đạt mục tiêu riêng của từng người cũng có nghĩa là mục tiêu chung đã đạt".

Triết lý kinh doanh của ông là gì?

Tôi chẳng có triết l‎ý gì. Chỉ có một quan điểm làm việc đó là: một tổ chức muốn thành công thì việc làm của tổ chức đó phải có ý nghĩa. Và ý nghĩa đó phải nhận được sự đồng lòng của mọi người. Mọi người phải thấy ‎mục đích ý nghĩa của tổ chức đó tương đồng với mong muốn của mình thì mới thành công được.

Điều gì ông thường hay nghĩ đến lúc rảnh rỗi?

Thường mỗi ngày, mỗi người, mỗi việc đều có khó khăn riêng. Nên khi rảnh rỗi, tôi thường nghĩ xem mọi người đang vướng chuyện gì? Liệu mình có hỗ trợ được không? Mọi người thường thấy vướng mắc là xử lý ngay, nhưng tôi thường “kính nhi viễn chi”, nghĩ nhiều hơn đến gốc rễ của vấn đề, xem nó ở đâu. Nhiều khi vướng chỗ này lại phải “bắt bệnh” ở chỗ khác mới giải quyết được.

Cơ hội chỉ đến với những người có sự chuẩn bị

Techcombank đã qua một năm 2018 phải nói là thành công ngoạn mục trên nhiều phương diện. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Vậy năm 2019 và xa hơn, ông hình dung bước đi của Techcombank như thế nào?

Mỗi tổ chức đều có sự sống và linh hồn, có quyền sinh tồn của nó. Vậy thì trước tiên là phải đảm bảo được khả năng sinh tồn, sau đó mới nói đến chuyện vượt trội như thế nào. Mà sinh tồn là việc hàng ngày. Không giải quyết được vấn đề hàng ngày thì mục tiêu không đến. Nhưng nếu không có mục tiêu thì việc hàng ngày cũng không giải quyết được.

Thông thường người ta chỉ nhìn thấy những gì bên ngoài. Nhưng thực ra một khi giải quyết được những vấn đề bên trong, căn bản thì những vấn đề lớn cũng sẽ được giải quyết. “Nội công” mạnh thì bên ngoài mới mạnh.

Trở lại Techcombank, việc đầu tiên phải giải quyết là vấn đề sinh tồn, cơm ăn áo mặc hàng ngày như đã nói ở trên. Mỗi năm, vẫn tiếp tục phải xây dựng nền tảng để giúp cho tổ chức phát triển mạnh. Và khi tập trung vào giải quyết những vấn đề căn bản hàng ngày thì tất cả mọi thứ tự nhiên sẽ đến.

Chẳng hạn khi NHNN yêu cầu các NHTM phải giải quyết nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% thì Techcombank đã tập trung để giải quyết dứt điểm số nợ bán cho VAMC. Từ đó, có thêm sức mạnh, nguồn lực để hỗ trợ, giải quyết những vấn đề cho khách hàng.

Đặc biệt, chính sách “E-Banking 0 đồng” mọi người hỏi có “điên rồ” quá không? Xét ở góc độ kiếm tiền thì đúng điên thật vì tự dưng từ bỏ một khoản thu quá lớn. Nhưng đứng ở góc độ nhu cầu khách hàng và phục vụ khách hàng, thì điều đó hiển nhiên phải làm.

Và do hiểu được tâm lý khách hàng, biết hy sinh lợi nhuận để chia sẻ và đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng, nên chỉ trong vòng hơn hai năm (từ tháng 9/2016), số lượng người dùng dịch vụ của chúng tôi đã tăng tới hơn 10 lần.

Rõ ràng, một khi có sự chuẩn bị bên trong thật tốt thì không những vấn đề được giải quyết, mà thành công theo đó cũng tăng lên nhiều lần.

Theo ông, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là cơ hội hay thách thức?

Mọi thứ trên đời đều là cơ hội, nhưng cơ hội chỉ đến với những người có sự chuẩn bị. Cơ hội đến mà mình chưa chuẩn bị thì cũng sẽ không phải là cơ hội của mình. Còn mình có chớp được cơ hội đó hay không thì còn tùy vào năng lực của từng người. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng vậy, nếu mình không chuẩn bị thì cũng không chớp được cơ hội.

"Mọi thứ trên đời đều là cơ hội, nhưng cơ hội chỉ đến với những người có sự chuẩn bị".

Nếu có một điều ước, ông sẽ…?

Thực ra tôi không có điều ước gì cao siêu. Chỉ ước làm cho xong công việc của một ngày, để tối về ngủ cho ngon, ngày mai đến cơ quan lại… làm tiếp! (Cười). Thấy mọi người làm việc và mọi người thành công đấy chính là niềm vui của mình. Rất đơn giản như vậy thôi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Bùi Sim Sim (thực hiện)

Tin đọc nhiều