Chậm chân tự cấp C/O, mất cơ hội thị trường

10:00 | 17/11/2017

Tổng cục Hải quan vừa cập nhật lại danh sách các nhà xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ (C/O) theo cơ chế thí điểm tự chứng nhận xuất xứ số 2 trong Hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA. 

Cần cẩn trọng với xuất xứ hàng hóa
Quy tắc xuất xứ: Nhiều trở ngại cho DN xuất khẩu

Theo đó, đã có tổng số 129 nhà xuất khẩu đủ điều kiện thực hiện thủ tục này thuộc các nước Indonesia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Đáng nói là tính tới thời điểm hiện tại, trong số này chỉ có 2 DN Việt Nam được thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng xuất khẩu, đó là Vinamilk và Nestle.

cham chan tu cap co mat co hoi thi truong
Chỉ có 2 DN Việt Nam được tự cấp C/O là quá ít

Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là việc DN tự khai báo xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu trên hóa đơn thương mại thay cho C/O mẫu D. Thông tư số 28/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương nêu rõ, các DN thay vì phải đi xin cấp C/O, có thể tự khai báo xuất xứ của hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc bất kỳ chứng từ nào khác thay cho Giấy chứng nhận C/O hiện hành. Việc thí điểm này nhằm giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, đồng thời thực hiện cam kết trong ASEAN.

Bộ Công Thương đã đưa ra các tiêu chí khá cụ thể để lựa chọn DN xuất khẩu được tự chứng nhận C/O. Theo đó, hàng hóa do chính thương nhân sản xuất; không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký; kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD; có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp.

Theo Tổng cục Hải quan, việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu là rất quan trọng với DN trong hoạt động xuất khẩu. Với cơ chế này, người khai hải quan phải tự khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Cơ quan hải quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy phép nếu DN đáp ứng đủ điều kiện, đồng thời khi có thông tin nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sẽ tiến hành kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa; kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa…

Như vậy, có thể thấy lợi ích mà cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đem lại là rất lớn. DN tiết kiệm thời gian và chi phí, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư giữa các nước.

Đơn cử như trường hợp Vinamilk, DN này được quyền tự cấp chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm sữa bột, sữa nước, sữa chua ăn, sữa đặc, nước giải khát, kem… khi xuất khẩu vào thị trường các nước Lào, Indonesia, Philippines, Thái Lan. Áp dụng cơ chế này đã hỗ trợ rất nhiều cho Vinamilk khi giảm thời gian và chi phí lưu thông vào các thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên các hạn chế kèm của cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cũng không hề nhỏ. Vì vậy cho tới nay, mặc dù tiêu chí xác định và các lợi ích đã rõ, song chỉ có 2 DN Việt Nam được tự cấp C/O. Các chuyên gia về xuất nhập khẩu đánh giá đây là điều rất đáng tiếc, có thể làm giảm sức cạnh tranh và khả năng hiện diện của hàng hoá Việt Nam trong thị trường ASEAN. Bởi theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Thái Lan có đến hàng trăm DN đã được thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ và ngay cả ở Lào số DN được trao quyền này cũng đã vượt Việt Nam.

Bà Bùi Kim Thùy, Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trở ngại lớn nhất đối với việc áp dụng rộng rãi cơ chế tự chứng nhận xuất xứ chính là rủi ro mà cơ chế này có thể gây ra.

Theo đó, khi một công ty tự chứng nhận xuất xứ bị phát hiện gian lận, các nước nhập khẩu có quyền không chấp nhận việc tự chứng nhận C/O của cả ngành sản xuất ở nước đó, chứ không chỉ riêng công ty vi phạm. Ngoài ra, các rủi ro khác có thể phát sinh như khả năng xảy ra gian lận thương mại, chuyển hàng hóa bất hợp pháp qua Việt Nam, mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi…

Mặc dù vậy, xét về dài hạn thì chứng nhận xuất xứ hàng hóa là xu thế tất yếu, giúp DN thuận lợi trong đón đầu các FTA thế hệ mới. Bên cạnh đó, với quy định về mức kim ngạch tối thiểu 10 triệu USD để được áp dụng cơ chế này, theo các chuyên gia là không hề quá tầm với đối với các DN Việt Nam trong một số ngành như dệt may, da giày…

Vì vậy việc quá ít DN tận dụng được cơ chế này cho thấy DN chưa tận dụng được hết các chính sách để tạo thuận lợi thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Lan Hương

Tin đọc nhiều