Chậm cổ phần hóa DNNN: Nhìn đâu cũng vướng

10:25 | 29/06/2015

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, IPO DN trong ngành rất khó, như một số DN mía đường gần như không bán được cổ phần. 

Tỷ lệ thoái vốn Nhà nước chưa đạt

Tiến độ thoái vốn Nhà nước tại DN nhìn chung vẫn chậm. Thậm chí còn 57 DN chưa triển khai được. Việc bán cổ phần theo lô mất nhiều thời gian. Tỷ lệ thoái vốn Nhà nước chưa đạt yêu cầu khi mới thoái được 5-10%... Những thông tin đó vừa được nêu lên tại Hội nghị Giao ban tái cơ cấu DNNN 6 tháng đầu năm vừa rồi. “Nay đã gần hết 6 tháng rồi mà vẫn còn nhiều DN phải triển khai sắp xếp, cổ phần hóa, nếu không tập trung tháo gỡ thì tiến độ đến cuối năm có thể không hoàn thành nhiệm vụ”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cảnh báo.

cham co phan hoa dnnn nhin dau cung vuong
Thoái vốn Nhà nước tại DNNN thời gian qua có nguyên nhân khách quan, do chính sách đang dần hoàn thiện

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, được ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đọc tại Hội nghị, tính đến nay đã cổ phần hóa được 61 DNNN, tức là chỉ chiếm 21% trong tổng số 289 DNNN cần phải cổ phần hóa năm nay. Phát biểu về việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn DNNN tại ngành mình, đa số các ý kiến đều nêu rất nhiều vướng mắc.

Ông Trần Ngọc Thành (Tổng công ty đường sắt Việt Nam) báo cáo kế hoạch thoái vốn năm 2015 là 27 công ty thì có 6 công ty đã thoái 100% vốn, thu về 8.000 tỷ đồng. Mặc dù đặt quyết tâm sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm nay, nhưng ông Thành cũng cho biết thách thức còn rất nhiều. Như trường hợp Công ty cổ phần Dịch vụ đường sắt khu vực I, do nhiều năm thua lỗ nên hiện đã quyết định thay đại diện phần vốn Nhà nước, miễn nhiệm một số cán bộ lãnh đạo…

Với Tập đoàn Hóa chất, nhiệm vụ có vẻ nhẹ nhàng hơn khi số DN phải cổ phần hóa trong năm nay không nhiều. Tuy nhiên, đại diện DN cho biết, trong quá trình thoái vốn tại Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình, do sản xuất kinh doanh của DN nhiều năm nay lỗ lớn, vốn Nhà nước bị âm nhiều, để cổ phần hóa được thì sẽ phải giảm vốn Nhà nước xuống. “Đề xuất như vậy, nếu không được thì tiến độ cổ phần hóa sẽ bị ảnh hưởng”, đại diện tập đoàn này cho biết.

Trong quá trình thoái vốn tại 3 công ty liên doanh cũng thuộc tập đoàn Hóa chất, cái vướng nhất là về đất. Bởi muốn thoái được phần góp vốn này thì phải làm rõ trách nhiệm tài chính của phần đất sau khi thoái xong. DN đặt vấn đề, liệu bên liên doanh có phải nộp thuế đất nữa hay không? “Việc này chúng tôi đã đề xuất, Bộ Tài chính có ý kiến. Nhưng bộ đưa ra rất nhiều văn bản, đọc rồi mà vẫn không giải quyết được, nên chúng tôi đề xuất sau khi thoái xong thì không phải nộp thuế đất của phần đất đã chuyển nhượng nữa, bởi tiền thu được không đủ để trả thuế đất... Đề xuất Chính phủ cho ý kiến, nếu không thì không thể thoái vốn được”, đại diện tập đoàn lên tiếng.

Về phía các bộ, trường hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông dù trong chương trình thoái vốn có nhiều DN tốt, nhưng triển khai trên thực tế cũng chưa hẳn đã “thuận buồm xuôi gió”. Bộ cho biết, có nhiều danh mục thoái vốn không thành công. Chẳng hạn như VNPT có 13 danh mục đã thoái vốn đến lần thứ hai mà không được. Ngay cả trường hợp MobiFone, dù đây là tổng công ty khá lớn, hiện vẫn đang vướng mắc ở một số vấn đề. Bộ cũng mong muốn Chính phủ tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn. Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Lại Văn Đạo cũng thừa nhận có hàng chục DN đã bán vốn 3-4 lần mà chưa xong.

Không chỉ là ngại lỗ

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, khó khăn trong việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DNNN thời gian qua có nguyên nhân khách quan, do chính sách đang dần hoàn thiện, nhưng bản thân DN cũng tồn tại nhiều vấn đề, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. Nhiều bộ, ngành có những DN khó khăn, nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt, chưa nghiêm. “Chưa nghe bộ nào báo cáo việc xử lý nghiêm lãnh đạo…”, Phó thủ tướng lưu ý.

Bàn về giải pháp, trong hội nghị giao ban trước, đề nghị được thoái vốn theo lô của các DN đã được Chính phủ đồng ý. SCIC và một số DN ngành hóa chất và giao thông đã thực hiện thí điểm. Nhưng vì sao thoái vốn vẫn chậm và Phó thủ tướng hỏi lại các đại biểu tham dự hội nghị: “Liệu có làm được không?”.

SCIC cho hay, hiện nay tổng công ty đã triển khai bán theo lô 44 DN, lãi 500 tỷ đồng, bằng 3 lần giá sổ sách. Nhưng kiến nghị khi thực hiện thì quy trình cần được hướng dẫn để đảm bảo sự minh bạch. Nhiều DN lên tiếng rằng, thực tế quy trình bán vốn Nhà nước theo lô còn phức tạp. Về phần mình, Tổng công ty Đường sắt đưa ra hướng xử lý là xong thủ tục ở DN nào thì bán luôn, không chờ bán theo lô nữa. “Phải hoàn thành, nếu không hoàn thành thì phải chịu trách nhiệm chứ không chỉ nói không”, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV tổng công ty này chia sẻ.

Một vướng mắc đã được nêu nhiều lần trong các hội nghị về tái cơ cấu DNNN trước đây là thoái vốn dưới mệnh giá thì kỳ họp này tiếp tục được đưa ra. Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, IPO DN trong ngành rất khó, như một số DN mía đường gần như không bán được cổ phần. “Thoái vốn sẽ lỗ. Nên nếu hỏi anh nào cũng ngại lắm, vì rất sợ trách nhiệm, nên mong các đồng chí xem xét hướng dẫn...”, ông Tuấn cho biết.

Chia sẻ băn khoăn trên, nhưng phía Bộ Xây dựng cũng thông tin, việc bán cổ phần dưới mệnh giá có nhiều vấn đề hơn là chỉ vì lo trách nhiệm như trên. Bởi có những đơn vị cố tình thoái vốn dưới mệnh giá. “Không thể chỉ đặt mục tiêu thoái vốn dưới mệnh giá mà nên làm thận trọng”, đại diện bộ này khuyến nghị.

Nhìn lại nhiệm vụ cho chặng đường nửa cuối năm, các bộ đều đồng thuận thách thức còn rất lớn. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm cần tập trung sửa đổi, xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp; tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn tại các đơn vị đã cổ phần hóa nhưng chưa đạt tỷ lệ vốn Nhà nước theo yêu cầu; bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược… “Thời gian từ nay tới cuối năm không còn nhiều nên cần triển khai nghiêm túc, nhanh chóng, thực hiện mục tiêu đã đề ra”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, tính đến ngày 23/6 có 61 DN hoàn thành cổ phần hóa; bán 2 DN, giải thể 1 DN, sáp nhập 1 DN, chuyển thành công ty TNHH hai thành viên 3 DN. Bên cạnh đó, đã thoái vốn Nhà nước 7.522 tỷ đồng, thu về 11.161 tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách. Trong đó, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư 3.368 tỷ đồng, thu về 3.863 tỷ đồng, bằng 1,15 giá trị sổ sách; đạt 15% số vốn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần phải thoái vốn.

Anh Quân

Tin đọc nhiều